Mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và công bố Báo cáo Thảm họa thế giới năm 2018

Thứ hai - 14/10/2019 03:15
Sáng nay (13/10), tại phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và công bố Báo cáo Thảm họa thế giới năm 2018. Thông điệp của Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro, thảm họa năm nay, đó là “Xây dựng để trường tồn”.

Tham dự Lễ mít tinh có: PGS, TS Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Bà Trần Thị Hồng An - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Ông Christopher Rassi - Trưởng đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Băng Cốc (Thái Lan); Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa; Đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ các tỉnh trọng điểm thiên tai: Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh; Đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam và cán bộ, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Thanh Hóa.

mt1
Toàn cảnh buổi lễ mít tinh
mt2
PGS, TS Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam phát biểu khai mạc buổi lễ mít tinh

Phát biểu tại buổi Lễ mít tinh, PGS, TS Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam cho biết: “Lễ mít tinh Hưởng ứng Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và công bố Báo cáo thảm họa thế giới năm nay là dịp để toàn xã hội có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về một thế giới đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, hiểm họa; qua đó, tăng cường khả năng phối hợp hoạt động giữa các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức liên quan trong nước và các tổ chức quốc tế, các đối tác trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế trong công tác phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu”.

Hôm nay cũng là ngày nhiều Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ các quốc gia trên thế giới tổ chức Lễ công bố Báo cáo thảm họa thế giới năm 2018 của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Năm 2015, thế giới đã cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau” như một phần của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo Báo cáo Thảm họa thế giới năm 2018 ước tính có hàng triệu người không nhận được hỗ trợ nhân đạo mà họ cần. 5 nguyên nhân phổ biến đó là: Không được biết đến (người dân, địa điểm, hoạt động không được biết đến); Không tiếp cận được (các vùng xa xôi và khó tiếp cận); Thuộc nhóm yếu thế (chủ yếu là người già, người khuyết tật); Không đủ kinh phí hỗ trợ; Các đối tượng không thuộc phạm vi hỗ trợ. Với thông điệp “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, một lần nữa Báo cáo thảm họa thế giới nhấn mạnh và kêu gọi các tổ chức nhân đạo quốc tế cần hành động nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất trên toàn thế giới.

mt3
Ông Christopher Rassi - Trưởng đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Băng Cốc (Thái Lan) công bố Báo cáo thảm hoạ thế giới 2018

Ông Christopher Rassi - Trưởng đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Băng Cốc (Thái Lan) phát biểu: "Thật vinh dự khi tôi đứng trước các bạn hôm nay để kỷ niệm Ngày quốc tế về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (trong khu vực còn gọi là Ngày ASEAN về quản lý thiên tai) và ra mắt Báo cáo thảm hoạ thế giới 2018 tại Việt Nam. Như hôm nay, ngày 13 tháng 10 là Ngày Quốc tế giảm thiểu rủi ro thiên tai, đây là dịp hoàn hảo để đưa ra báo cáo này tại Việt Nam nói riêng và để phản ánh ý nghĩa quan trọng của nó trên toàn thế giới. Vào ngày này, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế kết hợp với cộng đồng toàn cầu và ASEAN để đánh dấu tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng chống chịu thiên tai của cộng đồng - đặc biệt Việt Nam là một trong những khu vực dễ bị thiên tai nhất trên thế giới".

Tại Việt Nam, năm 2018 thiên tai diễn ra không dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã kịp thời triển khai các hoạt động ứng phó, cứu trợ thiên tai cho những gia đình thiệt hại nặng nề về người và tài sản thuộc các tỉnh: Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An và Sơn La, Khánh Hòa, TP.Hà Nội; vận động xây dựng 50 căn nhà tái định cư cho các hộ dân tại tỉnh Yên Bái, hỗ trợ xây dựng 100 căn nhà chữ thập đỏ cho bà con vùng lũ tại Thanh Hóa...Nhiều tỉnh, thành Hội hưởng ứng Lời kêu gọi của Trung ương Hội, tích cực triển khai vận động nguồn lực hỗ trợ người dân địa phương, đồng thời tích cực hỗ trợ tỉnh bạn khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, tháng 8/2018, lần đầu tiên Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức chuyến công tác cứu trợ thực hiện nghĩa vụ quốc tế hỗ trợ nhân dân nước bạn Lào ngay sau sự cố vỡ đập tại tỉnh Atapur với trị giá 220 triệu đồng gồm thùng hàng gia đình và các thiết bị lọc nước. Trước đó,Trung ương Hội cũng đã hỗ trợ trực tiếp 50.000 USD cho các nạn nhân thông qua Đại sứ quán Lào tại Việt Nam. Tổng giá trị công tác ứng phó, cứu trợ thiên tai trong toàn hệ thống Hội năm 2018 đạt 249,5 tỷ đồng trợ giúp hơn 960.000 lượt người khắc phục hậu quả thiên tai.

mt4
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu hưởng ứng ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai thảm họa

Phát biểu hưởng ứng ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai thảm họa năm 2019, Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Nhận thức được nguy cơ, tác động mạnh mẽ của thiên tai và biến đổi khí hậu, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch hành động trong chiến lược quốc gia phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ. Tỉnh chỉ đạo việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng chống thiên tai giai đoạn 2020 - 2025, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, các phương án ứng phó, đảm bảo thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ khi thiên tai xảy ra. Tỉnh Thanh Hoá cam kết sẽ xây dựng và thành lập mỗi xã, mỗi huyện một Đội ứng phó thiên tai, thảm họa chữ thập đỏ hoạt động có hiệu quả, để đáp ứng kịp thời việc ứng phó, trợ giúp nhân đạo, đánh giá thiệt hại và nhu cầu khi thiên tai xảy ra. Đây là điều kiện quan trọng để đảm bảo, phát huy được năng lực của cộng đồng phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai…”.

Ngay sau lễ mít tinh là phần diễn tập phòng chống thiên tai cấp xã/phường với sự tham gia của các thành viên Đội ứng phó nhanh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và nhân dân phường Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn đã tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai. Theo đó, đội đã xử trí một số tình huống khẩn cấp ứng phó cơn bão đổ bộ vào thành phố, bao gồm tổ chức cứu hộ, cứu nạn thuyền gặp nạn trên biển, sơ cấp cứu cho các nạn nhân bị tai nạn thương tích; sơ tán khẩn cấp 55 hộ dân ở khu phố có nguy cơ bị ngập do nước biển dâng trên địa bàn xã Quảng Vinh, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa).

mt5
Hoạt động diễn tập (Họp khẩn cấp Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn tại lễ mít tinh
mt6
Diễn tập sơ cấp cứu người bị nạn của Đội ứng phó nhanh
mt7
Chuyển người bị nạn đến cơ sở y tế sau khi sơ cứu

mt8

mt9

mt10
Cảnh diễn tập sơ tán khẩn cấp 55 hộ dân thôn Tiền Thôn 1 đến nơi an toàn

mt11

mt12
PGS, TS Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam nói chuyện với người dân phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn tham gia buổi diễn tập

Đến nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đào tạo mạng lưới 815 tập huấn viên, hướng dẫn viên về các lĩnh vực liên quan phòng ngừa và ứng phó thảm họa trong toàn quốc;  thành lập Phòng Điều hành ứng phó thảm họa và Đội ứng phó thảm họa cấp quốc gia, kết nối với 34 Đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh, 389 Đội ứng phó thảm họa cấp xã; hỗ trợ 585 xã, phường (chiếm hơn 1/3 số xã/phường được Đề án 1002 của Chính phủ tiếp cận) thuộc 142 huyện, quận của 36 tỉnh, thành phố xây dựng cộng đồng an toàn và triển khai hoạt động can thiệp rủi ro thảm họa như xây dựng nhà tránh trú bão kết hợp các hoạt động sinh hoạt tại địa phương, đường sơ tán an toàn, hệ thống thoát nước, hỗ trợ trường học an toàn…; tiếp tục duy trì hoạt động của 44 trung tâm phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, 26 trạm ứng phó khẩn cấp; xây dựng 30.000 nhà chữ thập đỏ (trong đó, có 20% là nhà an toàn phòng, chống bão lũ); tổ chức các kho hàng cứu trợ khu vực miền Bắc, Trung, Nam.

Tác giả bài viết: Trung Nghĩa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây