Hội thảo chia sẻ kết quả dự án Rừng ngập mặn giai đoạn 1994 – 2010 và giới thiệu văn kiện dự án giai đoạn 2011-2015

Thứ sáu - 10/01/2014 00:38
Ngày 30/11/2011, tại Hà Nội, Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả lượng giá giai đoạn 1994 – 2010 và giới thiệu văn kiện dự án Trồng rừng ngập mặn và giảm thiểu rủi ro thảm họa 2011-2015.
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Phùng Văn Hoàn phát biểu tại Hội thảo
Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Phùng Văn Hoàn phát biểu tại Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về phát triển diện tích trồng rừng ngập mặn (RNM) và rừng đầu nguồn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về phòng ngừa và ứng phó với thảm họa; kế hoạch thực hiện và quản lý giám sát dự án giai đoạntiếp theo, những giải pháp duy trì sự bền vững của dự án khi không có tài trợ bên ngoài, đồng thời nâng cao năng lực ứng phó của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam cũng như người dân với thiên tai thảm họa.

Dự án Trồng RNM của Hội CTĐ Việt Nam bắt đầu triển khai trồng thí điểm từ năm 1994 tại tỉnh Thái Bình do Hội CTĐ Đan Mạch tài trợ và năm 1996 mở rộng sang tỉnh Nam Định. Dự án đã đạt được các mục tiêu đề ra, chứng minh rõ hiệu quả về nhiều mặt như: phòng chống gió bão; tăng nguồn lợi thuỷ sản, tăng thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo cho các hộ hưởng lợi. Từ những thành công đạt được của giai đoạn thí điểm nêu trên, Hội CTĐ Việt Nam đã kêu gọi Hội CTĐ Nhật Bản hỗ trợ kinh phí để mở rộng trên địa bàn các tỉnh ven biển phía Bắc nhằm tạo thành dải RNM khép kín tăng khả năng bảo vệ đê có tính hệ thống hơn. Do vậy, từ năm 1997 đề xuất dự án với tên gọi “Trồng RNM bảo vệ đê biển” đã được Hội CTĐ Nhật Bản chấp thuận và được triển khai tại 6 tỉnh, thành gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh, nâng tổng số địa phương được trực tiếp hưởng lợi lên 8 tỉnh,.
 
Cán bộ Chữ thập đỏ chăm sóc RNM tại huyện Thái Thụy, Thái Bình
Nguồn tài trợ của Hội CTĐ Đan Mạch kết thúc năm 2005. Tiếp đó với sự hỗ trợ của Hội CTĐ Nhật Bản và Hiệp Hội, dự án được tiếp tục triển khai giai đoạn 3 (2006-2010) tại 8 tỉnh trên. Dự án trồng RNM tập trung vào việc trồng trên các bãi triều, tập huấn nâng cao năng lực về giảm thiểu rủi ro thảm hoạ cho các cấp chính quyền, các cấp Hội và cộng đồng dân cư ven biển, đặc biệt là tập huấn phòng ngừa thảm hoạ cho giáo viên và học sinh tiểu học. Dự án cũng tập trung tuyên truyền tác động của RNM trong việc bảo vệ môi trường, cải tạo hệ sinh thái, nâng cao thu nhập từ nguồn thuỷ hải sản sống, sinh sản trong rừng, đặc biệt tuyên truyền về tác dụng của RNM trong việc bảo vệ đê biển trước thiên tai.
Sau 17 năm triển khai, dự án đã trồng và bảo vệ 8.961 ha RNM tại 166 xã của 8 tỉnh dự án; 3.889 giáo viên và 108.317 học sinh được tập huấn phòng ngừa thảm họa; 350.000 người trực tiếp hưởng lợi từ chương trình và hơn 2 triệu người được bảo vệ tốt hơn trước tác động của bão lụt và triểu cường.
Tiếp nối thành công của chương trình, trong giai đoạn bốn (2011-2015), dự án với tên gọi “Trồng rừng ngập mặn-Giảm thiểu rủi ro thảm họa” sẽ tiếp tục hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương tại 3 vùng trọng điểm thiên tai của Việt Nam: miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng và duyên hải miền Trung bao gồm 346 xã, phường tại 8 tỉnh ven biển và2 tỉnh miền núi là Hòa Bình và Vĩnh Phúc. Với mục tiêu tăng cường các lợi ích của dự án cũng như đảm bảo sự bền vững của các hoạt động khi các nhà tài trợ kết thúc, Hội CTĐ Nhật Bản cam kết hỗ trợ 215 triệu yên (tương đương 2,4 triệu Phrăng Thụy Sỹ), tập trung vào các hoạt động chính như: Nâng cao năng lực về giảm thiểu rủi ro cho các cấp chính quyền và cộng đồng; đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng của cộng đồng trong thảm họa… Qua đó, lựa chọn biện pháp giảm thiểu rủi ro có tính khả thi, hiệu quả cao, kinh phí hợp lý. Đồng thời tiến hành trồng RNM, trồng tre, phi lao chắn sóng và thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro dựa vào cộng đồng. Thông qua dự án, Trung ương Hội cùng các cấp Hội địa phương cũng tham gia xây dựng chính sách, cơ chế để mở rộng nhiều RNM tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là vùng Nam Trung bộ. Việc mở rộng dự án sẽ hỗ trợ Hội CTĐ Việt Nam góp phần thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” 1.000/6.000 xã trong điểm thiên tai của Chính phủ.
Đức Thuận (Theo TW Hội chữ thập đỏ Việt Nam)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây