Thực hiện tốt “5 không” trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Thứ sáu - 15/03/2019 02:44
Dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị, tỷ lệ gây chết 100% và có mức độ lây lan rất nhanh. Mặc dù đến nay, dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh đòi hỏi phải triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt thực hiện triệt để nguyên tắc “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. 

a-chung.jpg

Anh Đinh Văn Chung, xã Xuân An, huyện Yên Lập xử lý nhiệt thức ăn dư thừa trước khi cho lợn ăn

Cứ 3 ngày 1 lần, anh Đinh Văn Chung - một hộ chăn nuôi ở xã Xuân An, huyện Yên Lập lại thực hiện phun tiêu độc khử trùng 1 lần toàn bộ khu vực chuồng trại của gia đình. Cùng với đó, anh cũng bổ sung các loại điện giải, vitamin C nhằm tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh cho lợn.

Anh Chung cho biết: Tôi được biết bệnh dịch tả lợn châu Phi gây nên bởi vi rút có sức đề kháng cao, nếu chuồng trại không được vệ sinh sạch sẽ, không tiến hành tiêu độc, khử trùng định kỳ thì các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh rất dễ phát sinh và tấn công. Được sự hướng dẫn của cán bộ thú y, tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột để ngăn ngừa mầm bệnh. Đặc biệt là đảm bảo xử lý nhiệt bằng đun sôi thức ăn dư thừa trước khi cho lợn ăn để tránh nhiễm bệnh cho đàn lợn.

Theo quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ, các hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời khi phát hiện và biết động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm; không báo cho cơ quan quản lý thú y kết quả xét nghiệm xác định động vật mang mầm bệnh hoặc vận chuyển, vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra ngoài môi trường sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu - 6 triệu đồng.

Bộ luật Hình sự hợp nhất số 01/VBHN-VPQH có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018 cũng quy định, người vận chuyển động vật hoặc cho phép vận chuyển động vật bị nhiễm bệnh, làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Nếu gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hay phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBNDcấp huyện, tỉnh thì phạt tù từ 2 5 năm, nếu gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên hoặc hành động dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì phạt tù từ 3 7 năm.Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Các quy định của pháp luật đã rõ, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm làm lây lan dịch bệnh trên động vật cũng rất nghiêm khắc. Vậy nhưng thời gian qua trên địa bàn cả nước vẫn còn những vụ vận chuyển sản phẩm từ lợn được phát hiện trên đường đưa đi tiêu thụ. Một số người dân vì ham lợi, tiếc của đã cố tình bán tháo lợn bệnh, lợn mang mầm dịch ra ngoài; một số người khác thì vứt lợn chết ra môi trường… Đây chính là những hành vi khiến dịch bệnh lây lan, cần phải xử lý nghiêm khắc.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, thời gian qua, công tác phòng bệnh tả lợn châu Phi đã được tỉnh triển khai quyết liệt. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm bệnh vào địa bàn. 13/13 huyện, thành, thị đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của Ban Chỉ đạo quyết liệt kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện các biện pháp phòng dịch. Các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường kiểm soát các hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn thú y cơ sở, hộ chăn nuôi tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, qua đó nhận thức của người dân và cộng đồng về dịch tả lợn châu Phi cũng được nâng lên. 

Anh Nguyễn Văn Quang - chủ một cơ sở giết mổ lợn nhỏ tại phường Minh Nông (thành phố Việt Trì) chia sẻ: Trong quá trình thu mua, giết mổ, kinh doanh thịt lợn, tôi luôn tuân thủ các quy định. Không thu mua lợn từ địa bàn các tỉnh đang có dịch tả lợn châu Phi. Toàn bộ lợn đưa vào giết mổ đều phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng, không có biểu hiện của bệnh.

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào tỉnh, đảm bảo an toàn cho vật nuôi, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, mỗi người dân, hộ chăn nuôi cần chấp hành tốt quy tắc “5 không”. Tuyệt đối không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết… bởi đây là hành động dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu mức độ vi phạm gây tổn hại lớn cho xã hội.

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây