Thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Thứ hai - 11/03/2019 01:28
Tỉnh Phú Thọ hiện đứng thứ 7 trong ngành chăn nuôi lợn trên cả nước với tổng đàn lợn gần 800.000 con; có gần 4.000 cơ sở chăn nuôi quy mô từ 30 con lợn thịt trở lên; trên 1.500 cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ; 2.500 hộ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Với quy mô này, nếu dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện ở một số tỉnh, thành phố lan đến địa bàn tỉnh Phú Thọ sẽ gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi của tỉnh. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch bệnh đã được triển khai ở mọi địa phương, đơn vị và từng trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

image001_258.jpg

Bà Trịnh Thị Lan Phương - Khu 5, thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông theo dõi sát sao đàn lợn của mình

Với đặc thù là cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội, với nhiều đường giao thông liên tỉnh, hoạt động giao thương vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trong nước cũng như từ biên giới vào tỉnh Phú Thọ rất lớn. Hơn nữa, toàn tỉnh đang trong mùa lễ hội nên rất dễ lây lan dịch bệnh; việc kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y còn nhiều hạn chế có thể dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.

Để kịp thời ngăn chặn bệnh dịch, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương áp dụng đồng bộ các biện pháp hành chính, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm bệnh vào địa bàn. Đồng thời thực hiện ngay các biện pháp kỹ thuật, lấy mẫu giám sát phát hiện sớm, cảnh báo nhanh và có giải pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả, không để dịch lây lan rộng.

Tam Nông hiện có tổng đàn lợn là hơn 40.000 con và hơn 80 hộ giết mổ. Theo ông Kiều Quốc Phong - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Ngay từ khi có thông tin về dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện đã cử cán bộ thường xuyên xuống cơ sở theo dõi đàn lợn, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y bám sát các xã, thị trấn có chăn nuôi lợn. Đồng thời tổ chức tập huấn cho các chủ trang trại, hộ chăn nuôi về dấu hiệu nhận biết, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không tận dụng thức ăn dư thừa, hạn chế nguồn lây nhiễm đối với đàn lợn”.

Cùng với các biện pháp kĩ thuật, các cơ quan, địa phương trong tỉnh xác định công tác thông tin truyền có vai trò quan trọng để người dân và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi, từ đó chủ động thực hiện phòng, chống, không hoang mang, tẩy chay, quay lưng với các sản phẩm từ lợn và thịt lợn, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Sở Thông tin và Truyền thông có văn bản đề nghị các Phòng Văn hóa và Thông tin, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Trạm Thú y cấp huyện, Chi Cục Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan kịp thời cung cấp, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh. Đồng thời nhanh chóng thực hiện các phương án tuyên truyền về bệnh dịch hằng ngày để người dân nắm bắt thông tin kịp thời.

image003_156.jpg

 Cán bộ Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Thanh Thủy đọc bản tin phát thanh tuyên truyền về dịch tả lợn châu Phi

Ông Nguyễn Trọng Hòa - Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Thanh Thủy cho biết: Cũng như các địa phương khác trong toàn tỉnh, thời gian này, Đài Truyền thanh - Truyền hình Thanh Thủy đã dành nhiều thời lượng thông tin tuyên truyền về dịch tả lợn châu Phi. Nội dung tuyên truyền nêu rõ sự nguy hiểm của bệnh, đường lây lan bệnh và các biện pháp chủ động ngăn chặn, khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn nhưng tránh hiểu lầm và gây hoang mang trong xã hội”.

Từ khi biết thông tin về dịch tả lợn châu Phi thông qua hệ thống loa truyền thanh, bà Trịnh Thị Lan Phương - Khu 5, thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông liên tục vệ sinh, tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất xung quanh chuồng trại của gia đình tôi và khu vực đường đi lại. Bà Phương cho biết: Gia đình tôi nuôi 7 lợn nái và hơn 30 lợn thịt. Sau khi được cán bộ xã phổ biến thông tin về dịch bệnh, chuồng trại của gia đình luôn được đóng kín và vệ sinh thường xuyên. Các hộ gia đình trong khu liên tục trao đổi thông tin, nhắc nhở, kiểm tra lẫn nhau, đề cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh”.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chưa xuất hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi, đàn lợn vẫn phát triển ổn định, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm vẫn chưa giảm. Để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành, người dân cần chủ động nắm bắt thông tin để triển khai các biện pháp phòng, chống kịp thời.

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây