Thiết thực ngăn chặn vấn nạn “rác thải nhựa”, bảo vệ môi trường sống

Thứ năm - 05/09/2019 21:34
Đẩy mạnh tuyên truyền về những tác hại của rác thải nhựa với môi trường; vận động người dân không sử dụng túi nilon, chai nhựa dùng một lần cũng như bỏ thói quen vứt rác bừa bãi; đồng thời tích cực phân loại rác, tái chế rác thải đang là những việc làm thiết thực của tỉnh Phú Thọ nhằm chung tay bảo vệ môi trường sống bền vững.
rt1
Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền hạn chế sử dụng túi nilon (Ảnh chụp tại huyện Thanh Sơn)

Thói quen khó bỏ

Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi trên các đại dương. Theo thống kê hiện tại có trên 93% dân số cả nước sử dụng túi nilon, chất thải nhựa. Khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho thấy, bình quân mỗi gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi nilon/tháng, tương đương 1kg túi nilon/tháng. Như vậy, ước tính có hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hằng ngày.

Tại thành phố Việt Trì, mỗi một ngày số rác thải cần phải xử lý khoảng 250 tấn, trong đó 61% rác thải sinh hoạt là rác thải trơ gồm nilon, rác thải nhựa... Túi nilon xuất hiện ở khắp nơi, từ chợ truyền thống cho đến siêu thị, khu trung tâm thương mại, mua sắm lớn. Ghi nhận của chúng tôi tại chợ Nông Trang, thành phố Việt Trì, tình trạng sử dụng túi nilon, ống hút, màng bọc thực phẩm… được bày bán và sử dụng rất nhiều. Những sản phẩm này có giá khá rẻ, túi nilon chỉ có giá 10.000 - 20.000/kg, cốc nhựa chỉ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/túi 50 chiếc, ống hút 5.000 -10.000 đồng/túi 100 chiếc. Phần lớn các sản phẩm nhựa dùng một lần này không có thông tin gì về chất lượng sản phẩm, hạn sử dụng, hướng dẫn cách sử dụng an toàn.

Ngoài túi nilon, tại nhiều cửa hàng cung cấp đồ ăn uống trên địa bàn tỉnh, thực phẩm được đựng trong các cốc, hộp nhựa để tiết kiệm công lau rửa và tiện dụng cho khách hàng. Đa số các loại đồ dùng nhựa này không được thu gom, tái chế, rất lâu phân hủy, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người. Bởi giá thành rất rẻ và tiện dụng, sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần đã trở thành thói quen của nhiều người dân. Chị Nguyễn Thị Thanh Mai - Khu 6C, phường Nông Trang, thành phố Việt Trì cho biết: “Mỗi ngày đi chợ tôi cần cả chục cái túi nilon kể cả loại to, loại nhỏ để đựng các loại hàng hóa. Sau khi về nhà tôi thường bỏ đi không dùng lại các túi này nữa”.

rt2
Nhiều sản phẩn túi nilon tự hủy thân thiện với môi trường được bán tại Siêu thị Big C Việt Trì nhưng chưa được nhiều người dân biết đến

Theo các nhà khoa học, rác thải nhựa, túi nilon được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm đến cả nghìn năm mới bị phân huỷ hoàn toàn. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Nếu túi nilon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Thực tế nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch,…

Chống lại nguy cơ “ô nhiễm trắng”

Trước những hệ lụy của rác thải nhựa với môi trường và đời sống, từ đầu năm 2012, Luật Thuế bảo vệ môi trường đã có hiệu lực, trong đó có quy định túi nilon là một trong 8 loại hàng hóa bị áp thuế nhằm hạn chế sử dụng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020”. Gần đây nhất, ngày 9/6, tại lễ ra quân quốc gia chống rác thải nhựa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và từng gia đình hãy nói không với túi nilông, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

rt3
HTX Rau an toàn Tứ Xã gói nông sản bằng lá chuối thay cho túi nilon

Trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương thực hiện việc vận động người dân không dùng hoặc hạn chế sử dụng túi nilon, làm quen với làn nhựa dùng nhiều lần, túi giấy thân thiện với môi trường. Tại HTX Rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao, thay vì sử dụng túi nilon để đóng gói nông sản như trước kia, hiện nay nhiều loại rau, củ đã được bọc bằng lá chuối. Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc HTX cho biết: “Nếu sử dụng 100% túi nilon để gói rau, củ, quả sẽ lãng phí một lượng túi rất lớn mỗi ngày. Do đó đối với một số loại rau thơm, rau gia vị kích thước nhỏ, HTX sử dụng lá chuối để gói bọc nhằm giảm thiểu lượng túi nilon. Đây cũng là nguồn nguyên liệu sẵn có tại vùng nông thôn. Mặc dù khi sử dụng lá chuối sẽ tăng về chi phí sản xuất và thời gian gói sản phẩm, nhưng lại mang đến lợi ích lâu dài nhằm đảm bảo môi trường sống”.

Đặc biệt, tại hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ Mười tám diễn ra tháng 6 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu đã yêu cầu các đơn vị, địa phương vận động người dân, doanh nghiệp hạn chế và tiến tới loại bỏ dần các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh hạn chế tối đa việc sử dụng chai nước bằng nhựa trong tất cả các hội nghị để góp phần phòng chống tác hại của rác thải nhựa gây ra. Các đoàn thể của tỉnh cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động hiệu quả đối với công tác vệ sinh môi trường như: Phong trào “Ngày chủ nhật xanh”; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; điểm sáng thôn, khu về vệ sinh môi trường...

Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức phát động chương trình du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa. Ông Trần Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Là mảnh đất cội nguồn của dân tộc, mỗi năm Phú Thọ đón khoảng 8 triệu lượt du khách về với tỉnh. Điều này cũng tác động khá lớn tới môi trường do lượng rác thải từ lượng khách này mang tới. Việc tổ chức phát động chương trình du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa tại tỉnh, có ý nghĩa tuyên truyền quan trọng đối với người dân và du khách, các doanh nghiệp… về ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon và những vật dụng sử dụng một lần làm từ nhựa. Từ đó tạo một môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp và thân thiện, hấp dẫn du khách.

rt4
Hiệp hội Du lịch tỉnh gắn áp phích tuyên truyền tại các gian trưng bày trong khuôn viên diễn ra Ngày hội Văn hóa du lịch - Làng nghề Đất Tổ năm 2019

Mặc dù các phong trào “nói không với rác thải nhựa” đang được triển khai rộng rãi, nhưng thực tế nhiều người dân vẫn chưa hiểu biết về vấn đề này, thói quen sử dụng túi nilon chưa thể thay đổi ngay lập tức. Do đó, để việc hạn chế đồ nhựa dùng một lần đi vào thực chất, trở thành việc làm liên tục và thường xuyên, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng cần được tăng cường hơn nữa, kết hợp với việc phát động các sáng kiến về những loại vật dụng thân thiện với môi trường và sức khoẻ con người để thay thế túi nilon... Mỗi người dân, cán bộ, đảng viên quyết tâm thực hiện mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra: Đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Tác giả bài viết: Khánh Trang

Nguồn tin: Cổng giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây