Tập trung ứng phó với hoàn lưu bão số 7

Thứ tư - 14/10/2020 05:48
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ vừa có công điện số 02/CĐ-BCH, ngày 14/10/2020 về việc tập trung ứng phó với hoàn lưu bão số 7.

Công điện nêu rõ:

Theo tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Việt Bắc, hồi 10 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc, 107,1 độ Kinh Đông, dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An; Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ nay đến ngày 17/10 ở các nơi trên khu vực tỉnh Phú Thọ có mưa vừa, mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; trên các sông trong tỉnh sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-4m, đỉnh lũ trên sông Thao tại Ấm Thượng khả năng lên mức BĐ2.

Thực hiện Công điện số 25/CĐ-TWPCTT ngày 13/10/2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 7; để chủ động ứng phó với mưa, lũ do hoàn lưu bão số 7 kết hợp không khí lạnh và các tình huống bất thường có thể xảy ra, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh yêu cầu:

1. Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN các huyện, thành, thị; Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên khai thác công trình Thủy lợi Phú Thọ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của Bão số 7 và tình hình mưa, lũ trên địa bàn; thông tin cảnh báo kịp thời đến các xã, phường, thị trấn và người dân để chủ động phòng, tránh nhất là các khu vực dễ bị xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập úng.

- Kiểm tra, rà soát và sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, các hồ chứa, đặc biệt tại các hồ chứa bị sự cố, xuống cấp. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu về đê điều, hồ đập, có phương án đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; đối với các hồ chứa xung yếu phải triển khai các biện pháp hạ thấp cao trình mực nước hồ để đảm bảo an toàn; bố trí lực lượng tuần tra canh gác đê, thường trực tại các hồ đập để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời khi có sự cố; Chủ động kiểm tra vận hành các cống dưới đê sông, đê ngòi, các trạm bơm tiêu để đảm bảo ngăn lũ và tiêu úng kịp thời bảo vệ sản xuất.

- Rà soát, chủ động phương án sơ tán, di dời người dân tại các khu vực có nhà ở không an toàn, vùng thấp trũng ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở, ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát và hướng dẫn người, phương tiện qua lại tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, khu vực thường bị ngập, các bến đò, ngầm, tràn qua sông, suối, ngòi. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

- Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động chỉ đạo xử lý tình huống và báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh.

2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ: Chỉ đạo tăng thời lượng phát sóng và tần suất đưa tin, nhất là các hệ thống phát thanh tại các xã, phường về diễn biến thời tiết, bão và mưa lũ. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh cho người dân đảm bảo an toàn trước mưa lũ.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với UBND các huyện, thành, thị rà soát kiểm tra công trình đê điều, hồ đập sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

4. Sở Giao thông vận tải: Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời phát hiện các khu vực bị sạt lở, giao thông bị chia cắt và kịp thời chỉ đạo khắc phục các sự cố đảm bảo thông tuyến nhanh nhất và an toàn giao thông.

5. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công An tỉnh: Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương kịp thời cứu hộ, cứu nạn, tổ chức sơ tán khi có yêu cầu.

6. Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, diễn biến thời tiết và khi có mưa lũ xảy ra, chủ động triển khai các nhiệm vụ đã được phân công; chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với diễn biến mưa lũ và các nội dung Công điện này; căn cứ chức năng nhiệm vụ sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu./.

Nguồn tin: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây