Quy định về giáo dục và đào tạo trong Hiến pháp năm 2013

Thứ tư - 10/09/2014 20:42
Toàn dân, trong đó có đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý giáo dục đều phấn khởi chào đón bản Hiến pháp sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28-11-2013 tại kỳ họp thứ 6, trong đó có Điều 61 nói về giáo dục và đào tạo (GD và ĐT). Điều 61 khẳng định vai trò của giáo dục đúng thời điểm nền giáo dục nước nhà phải đổi mới căn bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế theo tinh thần nghị quyết Hội nghị T.Ư 8, khóa XI.

Ở thời điểm này, Đảng và Nhà nước đã xem xét lại cả quá trình phát triển giáo dục trong những năm qua, nhất là trong hơn hai thập kỷ đổi mới. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nhất là thành tựu về hệ thống giáo dục, được xây dựng khá hoàn chỉnh từ mầm non đến sau đại học (ĐH), hệ thống giáo dục hiện nay đang có nhiều khó khăn, không đáp ứng yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế -xã hội, nhất là về chất lượng đào tạo. Hiến pháp sửa đổi sẽ mở ra một giai đoạn mới cho đất nước phát triển, đi vào CNH, HĐH và nền giáo dục cũng phải vươn lên để đáp ứng yêu cầu thời đại mới.

Cũng như các thời kỳ cách mạng trước đây, giáo dục muốn phát triển thành công, trước hết phải có đường lối, quan điểm tư tưởng chỉ đạo. Điều 61, Hiến pháp sửa đổi khẳng định lại quyết định lớn nhất của Đảng và Nhà nước là phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Quan điểm này được Đảng ta đưa ra trong thời kỳ đổi mới, được khẳng định rõ nét và triển khai mạnh mẽ từ Hội nghị BCH T.Ư 2, khóa VIII năm 1996. Nhà nước ta đã có nhiều chính sách cụ thể đẩy mạnh phát triển giáo dục. Ngân sách giáo dục tăng từ hơn 5% khi bắt đầu đổi mới, dần dần nâng lên 10, 15%, đến năm 2008 đã tăng lên đến 20%. Nhờ đó mà đã thực hiện được một phần kiên cố hóa trường học, nhất là ở những vùng khó khăn. Thực hiện chương trình tin học hóa nhà trường, tăng thiết bị dạy học phụ cấp vùng miền khó khăn, phụ cấp nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà giáo đứng lớp yên tâm hơn. Tất cả các địa phương đều bảo đảm đủ số lượng giáo viên và cán bộ quản lý, nay đã lên tới hơn một triệu, trong đó có 10 nghìn cán bộ quản lý các cấp...

Với chính sách đó, đời sống giáo viên được cải thiện một phần. Các bậc phụ huynh, các cấp ủy đảng và chính quyền quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ nhà giáo. Các hình thức khen thưởng, tôn vinh các nhà giáo đặc biệt đối với các nhà giáo có công đóng góp nhiều năm và nhiều thành tích như phong tặng danh hiệu NGƯT, NGND và các huân chương, huy chương cũng trở thành một động lực tinh thần quý giá.

Mặt khác cũng phải nhận thấy rằng, một số cấp ủy Đảng và chính quyền từ T.Ư đến địa phương chưa quán triệt và thực hiện đầy đủ quan điểm coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhất là việc chỉ đạo quản lý Nhà nước, cụ thể trong phát triển GD và ĐT.Chương trình và sách giáo khoa quá nặng về lý thuyết, một số môn hầu như không có thực hành. Dạy và học chỉ đáp ứng yêu cầu của thi cử. Hơn nữa chương trình học nhiều môn từ tiểu học đến THCS, THPT đều quá tải, như môn Toán, theo đánh giá của các nhà sư phạm, thừa 40-50%. Học sinh học đạo đức không vận dụng, thiếu kỹ năng sống thường ngày trong gia đình, nhà trường, xã hội. Đấy là chưa nói đến hiện tượng bạo lực trong nhà trường, bạo lực gia đình, số vị thành niên phạm pháp không giảm. Điều lo ngại nhất trong tình hình giáo dục hiện nay là phát triển giáo dục đại học, cao đẳng quá ồ ạt, số lượng trường tăng quá nhanh, từ lúc cả nước có hơn 100 trường ĐH, CĐ thì nay đã lên tới hơn 500 trường, có tỉnh trước đây không có trường nào, nay có năm đến bảy trường ĐH.

Bệnh thành tích chạy theo số lượng cùng với tư tưởng thương mại hóa giáo dục ở các trường ĐH, CĐ làm cho mục tiêu đào tạo con người và nguồn nhân lực ngày càng mờ nhạt. Việc dạy chữ, dạy người, dạy nghề được đề ra từ năm 1980, sang đầu thế kỷ 21 bị buông lơi hoàn toàn, phần lớn chỉ tập trung vào việc dạy chữ. Trong tình hình như vậy, bên cạnh việc khẳng định quan điểm, đường lối phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu thì Điều 61 của Hiến pháp sửa đổi một lần nữa lại khẳng định ba mục tiêu mà nền giáo dục phải nhắm tới là nâng cao dân trí, phát triển nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Khoản 2 của Điều 61 nêu lên nhiệm vụ phát triển các bậc học trong hệ thống phát triển quốc dân và điều kiện triển khai. Hiến pháp khẳng định là trong giai đoạn phát triển cách mạng sắp tới, các bậc học từ mầm non, giáo dục nghề nghiệp, cho tới giáo dục đại học đều được quan tâm thích đáng và phát triển theo yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong khoản này nêu rõ giáo dục tiểu học là bậc học bắt buộc và trung học là bậc học phổ cập giáo dục. Ngày nay, thực hiện Nghị quyết T.Ư 8 khóa XI, đồng thời triển khai Hiến pháp sửa đổi phải thấm nhuần và quán triệt tư tưởng chỉ đạo này: tổ chức phân luồng sau lớp chín và trong các năm học THPT và sau THPT.Tránh tình trạng tất cả đều đổ xô vào đại học, không phục vụ theo đúng yêu cầu của cơ cấu nguồn nhân lực ở địa phương và cả nước. Khoản 2 Điều 61 Hiến pháp sửa đổi lần này chưa quy định phổ cập giáo dục mầm non, mà chỉ xác định: "Chăm lo giáo dục mầm non", vì vậy các cấp có thẩm quyền cần xem lại chính sách giáo dục mầm non cho phù hợp.

Chúng ta cần phải triển khai phát triển giáo dục ĐH, nghề nghiệp cho phù hợp với tình hình. Phải chấn chỉnh những lệch lạc trong nhận thức, chính sách và triển khai việc phát triển hệ thống các trường đại học, cao đẳng thì mới hy vọng giáo dục đại học có chất lượng, trước hết đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, sau đó hãy bàn các chỉ tiêu phấn đấu theo tiêu chuẩn khu vực Đông - Nam Á và thế giới. Hiện nay, trong tình hình kinh tế khó khăn, Hiến pháp sửa đổi vẫn quy định nhiệm vụ của Nhà nước đối với việc đầu tư cho giáo dục như là đầu tư cho phát triển, là hết sức có ý nghĩa. Toàn Đảng, toàn dân và ngành giáo dục đều trông đợi mong mỏi nội dung này của Hiến pháp sửa đổi mau chóng được triển khai.

Khoản 3 của Điều 61 nêu lên quan điểm, phát triển giáo dục theo vùng miền. Do điều kiện lịch sử, bảy vùng miền ở nước ta hiện nay chưa phát triển đồng đều, có nơi nhiều thuận lợi, có nơi nhiều khó khăn. Đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là làm cho tất cả các vùng miền đều phát triển. Các vùng Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ nói riêng và ngành giáo dục nói chung rất hoan nghênh đường lối ưu tiên các vùng khó khăn. Chúng tôi mong rằng, trong những năm tới, nước ta sẽ là nước công nghiệp, hiện đại, văn minh. Các trường học ở các vùng kém phát triển cũng được quan tâm như các vùng thuận lợi.

Làm sao trường lớp ở những vùng này hết cảnh tranh, tre nứa lá, đều được kiên cố hóa theo chương trình Chính phủ đề ra từ năm 2004. Các em học sinh khó khăn đều được cung cấp sách giáo khoa; các thầy cô giáo công tác ở các vùng này cũng được tạo thêm điều kiện để thật sự an tâm cống hiến. Trong khoản 3 Điều 61 nêu bật quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với những trẻ em khuyết tật và trẻ em nghèo khó. Để thực hiện khẩu hiệu công bằng xã hội, trước hết Đảng và Nhà nước nên có những chính sách cụ thể để thực hiện khoản 3 Điều 61. Giúp các em khuyết tật và nghèo khó được học hành, ít nhất đến hết PTCS và có một nghề bảo đảm cuộc sống.

Ba khoản cụ thể trong Điều 61, một lần nữa khẳng định triển vọng tốt đẹp của nền giáo dục nước nhà do toàn Đảng, toàn dân với nòng cốt đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục, ra sức thực hiện, biến những điều của Hiến pháp sửa đổi về giáo dục thành những chính sách và công việc cụ thể, để giúp cho thế hệ trẻ có đầy đủ năng lực tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực hiện sứ mệnh vẻ vang bảo vệ và xây dựng đất nước giàu mạnh và cường thịnh.

Nguồn tin: Trang thông tin Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây