Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015: Giữ lại “tinh tuý” nhất từ “3 chung”
Công bố sớm để có sự chủ động
Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, sau khi dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia được công bố rộng rãi để lấy ý kiến, cho đến ngày 22/8, kết quả cho thấy đa số ý kiến nhất trí nên tổ chức kỳ thi từ năm 2015 và tổ chức vào tháng 6 hàng năm.
Phương án thi theo môn (phương án 1) được đa số ý kiến nhất trí vì phương án này bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn đối với giáo viên, học sinh và các trường PT. Kết quả thi đủ độ tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu để cơ sở giáo duc ĐH có thể tuyển chọn được thí sinh có năng lực phù hợp với các ngành đào tạo. Phương án thi theo bài là mục tiêu cần hướng đến nhưng không nên áp dụng ngay trong năm 2015 vì chưa bảo đảm sự tương thích giữa dạy và học, học và thi mà cần phải có lộ trình thực hiện, có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng.
Một số ý kiến đề nghị ngoại ngữ nên là môn thi tự chọn vì đối tượng thí sinh là học viên GDTX không được học ngoại ngữ và điều kiện dạy học ngoại ngữ ở các vùng miền rất khác nhau nên khó công bằng trong đánh giá. Bên cạnh đó, nếu ngoại ngữ là môn bắt buộc thì chỉ tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường có ngành học tương ứng với khối D trước đây, dẫn đến không công bằng cho giữa các đối tượng dự thi.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD cho biết việc công bố sớm kỳ thi, bảo đảm các cơ sở giáo dục, nhà trường, giáo viên và HS chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học mới và tổ chức thành công kỳ thi.
Giữ lại “tinh tuý” nhất từ “3 chung”
Về cấu trúc của đề thi THPT Quốc gia, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết sẽ khá giống với đề thi tuyển sinh ĐH năm 2014. Một số yếu tố như ra theo hướng đề mở, dùng kiến thức liên môn để thể hiện bài thi… sẽ tiếp tục đổi mới. Đề thi sẽ không tách phần thí sinh làm để tốt nghiệp THPT và làm để tuyển sinh vào CĐ- ĐH mà đáp ứng được cơ bản chuẩn thấp để tốt nghiệp và có phần nâng cao, phân hoá để các trường chọn thí sinh.
“Chúng tôi cố gắng tận dụng những gì đã làm tốt, đặc biệt ở kỳ thi 2014 để tiếp tục điều chỉnh để tiếp cận dần với chương trình SGK mới sắp triển khai và học sinh sẽ không gặp nhiều khó khăn trước kỳ thi” – ông Nghĩa nói.
Đồng quan điểm này, ông Mai Văn Trinh cũng cho rằng, việc thiết kế kỳ thi THPT Quốc gia 2015 sẽ giữ lại những gì tốt nhất, tinh tuý nhất của hình thức thi “3 chung”. Việc hình thành các cụm thi căn cứ vào 3 tiêu chí là năng lực trường ĐH, các địa phương; lưu lượng học sinh của khu vực và những điều kiện thuận lợi cho học sinh, giúp các em đi lại thuận tiện và gần nhất.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định việc bố trí, tính toán các cụm thi, dựa theo kinh nghiệm của những năm qua sẽ bảo đảm vận hành tốt, không sợ quá tải.
Về các chứng chỉ sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ, Bộ sẽ ra quy định cụ thể sau này. Tương tự, nhiều vấn đề cụ thể sẽ được quy định rõ trong quy chế tuyển sinh sẽ thể hiện rõ. Lãnh đạo Bộ khẳng định chủ trương không để thí sinh hoang mang và bị thay đổi nhiều về cách học.
Không còn khối thi đại học
Theo phương án của Bộ GD&ĐT, trước ngày 1/1/2015, các trường ĐH-CĐ phải công bố phương thức tuyển sinh, trong đó có mức độ sử dụng kết quả của kỳ thi chung. Đó là căn cứ để các HS đăng ký thi. Ngoài 4 môn bắt buộc, thí sinh có quyền đăng ký thêm các môn còn lại của kỳ thi chung để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của từng ngành đào tạo do trường quy định trong đề án tuyển sinh riêng.
Như vậy, việc tổ chức kỳ thi quốc gia chung này sẽ xóa bỏ khối thi truyền thống. Với 8 môn thi được đăng ký, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các trường CĐ-ĐH.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, kỳ thi Quốc gia sẽ thực hiện một thay đổi lớn là nếu trước đây các thí sinh đăng ký thi ĐH-CĐ trước, thi sau. Thì từ năm 2015, các thí sinh sẽ dùng kết quả có được để đăng ký vào các trường có điều kiện phù hợp với bản thân. Do đó, nếu trước đây lượng thí sinh ảo lớn thì bây giờ, chỉ thí sinh nào đạt điều kiện mới tham gia xét tuyển. Bộ sẽ sửa đổi phần mềm tuyển sinh phù hợp, công khai điểm của thí sinh, tạo thuận lợi cho học sinh và nhà trường trong xét tuyển.
Trước một số băn khoăn về những tiêu cực có thể xảy ra với phương án thi mới, thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Dù là thi kiểu gì, 3 chung hay Quốc gia, chất lượng nguồn tuyển phải bảo đảm, đó là yêu cầu bắt buộc”.
Nguồn tin: Báo Nhân đạo và Đời sống
Ý kiến bạn đọc
- Đang truy cập29
- Hôm nay730
- Hôm qua889
- Tháng hiện tại58,303
- Tổng lượt truy cập1,887,455,400