Hoạt động nhân đạo phải được tổ chức bài bản, không máy móc và tự phát
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ phát động Tháng nhân đạo năm 2022 với chủ đề 'Gắn kết cộng đồng - Lan tỏa hành động nhân ái'.
Tối 28-4 tại TP Huế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ phát động Tháng nhân đạo năm 2022 và kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8-5) gắn với chùm hoạt động thiết thực hướng tới cộng đồng.
Xuất phát từ ý tưởng chủ đề của Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, thông điệp của Tháng nhân đạo năm 2022 là "Gắn kết cộng đồng - Lan tỏa hành động nhân ái" nhằm kêu gọi mọi người hãy gắn kết với nhau bằng những việc làm tử tế cho dù nhỏ bé.
Từ mỗi hành động nhân ái nhỏ bé sẽ có tác động lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, nhân lên thành nhiều hành động đẹp, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.
Bà Bùi Thị Hòa - chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - nói trong Tháng nhân đạo năm 2022, toàn hội phấn đấu vận động nguồn lực đạt 400 tỉ đồng để trợ giúp 1 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 100.000 địa chỉ nhân đạo.
Tại lễ phát động, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khởi động chương trình trọng điểm triển khai trong 5 năm tới: "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" và "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật" nhằm trợ giúp những ngư dân nghèo, khó khăn yên tâm vươn khơi, bám biển và hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng các em nghèo, khuyết tật…
Với mong muốn Tháng nhân đạo sẽ trở thành phong trào toàn dân tham gia nhân đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi toàn bộ tầng lớp nhân dân chung tay với Hội Chữ thập đỏ giúp người nghèo, người gặp khó khăn trong xã hội, đạt mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Để đạt được mong muốn đó, Chủ tịch nước yêu cầu 3 điều:
- Chính phủ, các địa phương, cơ quan ban ngành… cần kịp thời phát hiện, ghi nhận, khen thưởng xứng đáng các cá nhân tình nguyện, các hoạt động nhân đạo ý nghĩa.
- Hoạt động nhân đạo không phải trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân nào mà phải là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Trong đó Nhà nước cần đóng vai trò chủ động, tích cực.
- Các hoạt động tình nghĩa, nhân đạo cần phải được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả. Không thực hiện máy móc, tự phát, lãng phí.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh hoạt động nhân đạo phải xuất phát từ trái tim, từ lòng yêu thương thực sự chứ không phải để làm màu hay lợi dụng danh nghĩa nhân đạo để đạt được mục đích riêng của mình.
Tác giả bài viết: Nhật Linh
Ý kiến bạn đọc
- Đang truy cập28
- Hôm nay11,814
- Hôm qua9,805
- Tháng hiện tại106,474
- Tổng lượt truy cập1,886,668,351