Chủ động ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất
Công điện nêu rõ:
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong những ngày qua đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (Việt Trì 167mm, Yên Lương – Thanh Sơn 145mm, Đoan Hùng 154mm, Thanh Ba 107mm, Lâm Thao 95,4mm, Yên Lập 156,6mm…). Hiện nay, mực nước trên sông Thao đang lên, hồi 7 giờ ngày 19/8/2020 mực nước tại trạm Ấm Thượng +26,54m (trên báo động III: 0,54m), tại Phú Thọ +16,88m (dưới báo động I: 0,62m), trên sông Lô tại Vụ Quang, Việt Trì đỉnh lũ ở mức dưới báo động I.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ kết hợp với vùng xoáy thấp trên mực 5000m hoạt động mạnh; đồng thời, vị trí tâm bão số 4 hồi 4 giờ ngày 19/8 ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc, 113,6 độ Kinh Đông trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc, dự báo trong 24 đến 36 giờ tiếp theo bão suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Đông tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nên trong ngày và đêm nay (19/8) trên khu vực tỉnh Phú Thọ tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông (lượng mưa phổ biến 20-50mm/24h, có nơi trên 80mm/24h). Từ chiều ngày 20/8 đến ngày 22/8 ở các nơi trong tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt).
Để chủ động ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh yêu cầu:
1. Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN các huyện, thành, thị và Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên khai thác công trình Thủy lợi Phú Thọ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời, thường xuyên đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng, tránh đặc biệt là đối với lũ, lũ quét, sạt lở đất; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn. Đồng thời chủ động phương án đảm bảo an toàn hạ du khi hồ Hòa Bình xả lũ theo yêu cầu tại Văn bản số 42/BCH-PCTT ngày 05/8/2020 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh.
- Tổ chức kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán dân tại vùng trũng thấp ven sông, suối, vùng nguy hiểm, vùng có nguy ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các nhà ở không an toàn, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê, kiểm soát và hướng dẫn người, phương tiện qua lại tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, khu vực thường bị ngập, các bến đò, ngầm, tràn qua sông, suối, ngòi; yêu cầu tạm dừng hoạt động lưu thông, qua lại khi có nước lũ lên cao, không đảm bảo an toàn và nghiêm cấm vớt củi trên sông, suối khi có lũ.
- Tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, các công trình đang thi công, kiểm tra vận hành các cống dưới đê sông, đê ngòi, các trạm bơm tiêu để đảm bảo ngăn lũ và tiêu úng kịp thời bảo vệ sản xuất; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các trọng điểm đê điều xung yếu.
- Có phương án đảm bảo an toàn các hồ đập thủy lợi và hạ du các hồ chứa; sẵn sàng phương án bơm tiêu đề phòng mưa lớn gây ngập úng. Đối với các công trình hồ đập đang xây dựng, sửa chữa, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và máy móc, thiết bị; đối với các hồ chứa đã bị hư hỏng, xuống cấp, chủ động hạ thấp mực nước ở mức đảm bảo an toàn; tổ chức kiểm tra, theo dõi phát hiện sớm các sự cố để có phương án ứng phó kịp thời.
- Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, đảm bảo thông tin liên lạc, chủ động chỉ đạo xử lý tình huống và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với UBND các huyện, thành, thị rà soát kiểm tra công trình đê điều, hồ đập sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
3. Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời các tuyến đường bị sạt lở, kiểm tra, rà soát hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy siết, các bến đò ngang; sẵn sàng huy động phương tiện, vật tư, nhân lực khắc phục kịp thời các sự cố đảm bảo thông tuyến nhanh nhất và an toàn giao thông.
4. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh: Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, tổ chức sơ tán khi có yêu cầu.
5. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành căn cứ các nhiệm vụ đã được phân công; chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với diễn biến mưa, lũ.
6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh: Chỉ đạo tăng thời lượng phát sóng và tần suất đưa tin, nhất là các hệ thống phát thanh tại các xã, phường về diễn biến thời tiết, bão và mưa lũ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kỹ năng ứng phó với mưa, lũ.
Yêu cầu Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN các huyện, thành, thị; Lãnh đạo các Sở, Thủ trưởng các ngành; Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên khai thác công trình Thủy lợi Phú Thọ và các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện./.
Nguồn tin: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ
Ý kiến bạn đọc
- Đang truy cập10
- Hôm nay2,510
- Hôm qua2,442
- Tháng hiện tại11,767
- Tổng lượt truy cập1,886,982,037