Mưa to và lũ ống gây thiệt hại ước tính 52,5 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh

Theo số liệu báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh ngày 22/9/2014, tại các xã Tề Lễ, Quang Húc, Hùng Đô, huyện Tam Nông, mưa to, bão lớn đã gây ra lũ ống khiến 136 chiếc lồng cá đang nuôi của các hộ dân bị chết sạch. Thiệt hại ước tính lên đến hơn 30 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Minh Đăng, một trong những chủ nuôi cá lồng lớn nhất xã Quang Húc cho biết, gia đình nuôi 60 lồng toàn cá đặc sản điêu hồng và lăng chấm bị chết sạch. Thiệt hại ước tính hơn 10 tỷ đồng chưa kể thiệt hại về các lồng bị vỡ, hư hỏng do nước lũ xô vào. Nguyên nhân dẫn đến cá chết là do nước lũ đổ về gây đục, vẩn váng khiến cá chết hàng loạt. Còn anh Vũ Quang Hợp, khu 5 xã Quang Húc chia sẻ: 20 lồng cá đang nuôi và 20 lồng đang làm bị hỏng hết, cá chết hết cả. Nhiều hộ đi bán nhưng 1 kg cá điêu hồng giá 5.000 đồng, cá lăng chấm 15.000 đồng mà cũng không có người mua. Cả 3 xã hiện chỉ hy vọng vớt vát được số cá sống còn lại để đem gửi.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Tam Nông, số cá chết do lũ gây ra tại 3 xã Tề Lễ, Quang Húc, Hùng Đô chủ yếu được nuôi lồng trên sông Bứa khoảng hơn 375 tấn, thiệt hại hơn 30 tỷ đồng. Ngay sau khi lũ xảy ra, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh, huyện đã có mặt kịp thời chỉ đạo công tác ứng cứu, hỗ trợ người dân bảo vệ các lồng bè, đồng thời tìm cách khắc phục hậu quả cho người dân. UBND huyện Tam Nông đã huy động các lực lượng dân quân tự vệ, quân đội, công an đến kéo cá chết từ lồng vào bờ; tìm cách néo giữ các lồng bè và giúp dân khắc phục hậu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường…
Cũng theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB tỉnh, các huyện Yên Lập, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn chịu ảnh hưởng của mưa to, lũ quét và lũ ống đêm ngày 20 và ngày 21/9 đã có nhiều thiệt hại: Mưa, lũ làm 1 người bị mất tích do nước cuốn trôi (ông Đinh Văn Tiến ở xã Xuân An, huyện Yên Lập); 1 nhà sập đổ; 2 nhà bị nước cuốn trôi; 127 nhà ngập nước; 24 hộ gia đình bị sạt lở đất vào nhà; 906 ha lúa và 737 ha hoa màu bị đổ, ngập; 832 con gia súc và gia cầm bị chết; 4.000m kênh mương bị sạt lở; 167 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn, 136 lồng cá bị trôi; 9 cột điện gẫy; 6 công trình thủy lợi bị hỏng; 1 cầu bị hỏng; đường giao thông bị sạt 2.720m3. Mưa lũ cũng đã khiến đê Ngòi Giành ở xã Tiên Lương (huyện Cẩm Khê) tràn 1.900m và gây nhiều thiệt hại khác. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 52,5 tỷ đồng. Hiện công tác khắc phục đã và đang được tỉnh Phú Thọ khẩn trương thực hiện.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCLB các huyện, thành, thị, các xã bị ảnh hưởng do mưa to, bão lũ phối hợp với lực lượng công an, quân đội, lực lượng dân quân và nhân dân di chuyển tài sản nhân dân ra vùng nguy hiểm; huy động lực lượng tuần tra, lập chốt chặn tại các tràn ngầm, lập biển báo nguy hiểm kiên quyết không cho người và phương tiện đi qua, tuyên truyền vận động bà con nhân dân không vớt củi, đánh bắt cá tại các sông suối gây nguy hiểm đến tính mạng về người. Các đơn vị đang thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn các huyện phải đảm bảo an toàn về người và tài sản, ngừng thi công khi mưa lớn xảy ra. Rà soát các hộ dân đang sinh sống trong khu vực cuối chân các công trình hồ đập; tập trung xử lý các sự cố công trình đê điều, hồ đập và khắc phục hậu quả thiệt hại. Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Phú Thọ chủ động bơm tiêu, đảm bảo tiêu úng kịp thời bảo vệ sản xuất. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ trong ngày, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để kịp thời có phương án đề phòng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
Nguồn tin: Cổng giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ
Ý kiến bạn đọc
- Đang truy cập23
- Hôm nay730
- Hôm qua889
- Tháng hiện tại58,389
- Tổng lượt truy cập1,887,455,486