IFRC tại COP29: Mọi người đều xứng đáng nhận được cảnh báo đầy đủ trước khi thảm họa xảy ra
Với sức nóng cực độ, bão và lũ lụt cướp đi nhiều sinh mạng, việc cảnh báo sớm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Với vai trò là tổ chức tiên phong trong sáng kiến “Cảnh báo sớm cho tất cả mọi người” trên toàn cầu, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) kêu gọi tăng cường đầu tư và hành động vào các hệ thống cảnh báo sớm để bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Với lũ lụt, bão và nắng nóng chưa từng có đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho các cộng đồng trên toàn thế giới, IFRC đã phối hợp với các cơ quan khí hậu chủ chốt của Liên hợp quốc để gióng lên hồi chuông cảnh báo về một biện pháp phòng vệ quan trọng nhưng thường bị bỏ qua trong đối phó với khủng hoảng khí hậu: Cảnh báo sớm và hành động sớm.
Lời kêu gọi này được đưa ra trong một sự kiện cấp cao tại COP29, nhằm đánh giá những tiến bộ đạt được trong sáng kiến “Cảnh báo sớm cho tất cả mọi người” (EW4All), một sáng kiến do Liên hợp quốc khởi xướng. Sáng kiến này tập trung vào việc mở rộng các hệ thống cảnh báo sớm và hành động sớm tại những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các sự kiện khí hậu khẩn cấp.
Với vai trò là tổ chức dẫn đầu toàn cầu trong Trụ cột 4 của sáng kiến — “Sẵn sàng ứng phó với các cảnh báo” — IFRC đang hợp tác với Liên hợp quốc và các đối tác EW4All để đảm bảo rằng đến năm 2027, mọi người trên trái đất sẽ được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm.
Cuộc họp cấp cao đã quy tụ bốn đồng chủ trì của trụ cột, bao gồm Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Văn phòng Liên hợp quốc về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai (UNDRR), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và IFRC, cùng với đại diện từ chính phủ, các tổ chức nhân đạo và môi trường, các nhóm tài trợ tư nhân, cũng như các đối tác và người ủng hộ quan trọng khác.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thư ký IFRC Jagan Chapagain nhấn mạnh rằng thế giới không chỉ cần tăng cường tài trợ cho hệ thống cảnh báo sớm, mà còn phải đảm bảo rằng các khoản đầu tư được chuyển đến cấp địa phương, nhằm bảo đảm các cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ khủng hoảng khí hậu nhận được sự hỗ trợ thiết yếu.
Tác giả bài viết: Hiền Lê (lược dịch từ ifrc.org)
Ý kiến bạn đọc
- Đang truy cập17
- Hôm nay2,568
- Hôm qua2,442
- Tháng hiện tại11,825
- Tổng lượt truy cập1,886,982,095