70 NĂM RA ĐỜI CÔNG ƯỚC GENEVA 1949
Ngày 19/7/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế phối hợp với Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thông qua bốn Công ước Geneva 1949 về Luật Nhân đạo quốc tế (1949-2019). Đây là một phần trong chuỗi các sự kiện đang diễn ra trên toàn thế giới để tôn vinh một thành tựu quan trọng của các quốc gia trong việc tạo nên những quy tắc giảm thiểu tổn thất và thương đau do xung đột vũ trang gây ra. Đây cũng là lần đầu tiên Lễ kỷ niệm các Công ước Geneva 1949 được tổ chức tại Việt Nam.
Bản Công ước Geneva đầu tiên
Ngày 12/8/1949, các Công ước Geneva về giao tranh trên bộ, trên biển, tù binh và thường dân đã chính thức ra đời gồm 4 Công ước gắn với quyền của thường dân, tù binh chiến tranh và quân nhân bị thương và bệnh tật. Cụ thể, đó là Công ước về cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ; Công ước về việc cải thiện tình trạng của những thương binh, bệnh binh và những người bị đắm tàu thuộc lực lượng hải quân; Công ước về việc bảo hộ thường dân trong chiến tranh; và Công ước về bảo vệ tù binh trong chiến tranh.
Cách đây 62 năm (1957-2017), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Công hàm tuyên bố Việt Nam gia nhập các Công ước Geneva năm 1949 về Luật Nhân đạo quốc tế. Việc phê chuẩn các Công ước Geneva là dấu mốc lịch sử quan trọng, là minh chứng cho chính sách của Việt Nam đề cao việc tôn trọng Luật Nhân đạo quốc tế và thúc đẩy thực thi Luật Nhân đạo quốc tế nói riêng cũng như luật pháp quốc tế nói chung. Đồng thời, việc Việt Nam phê chuẩn các Công ước này cũng có ý nghĩa quan trọng, đề cao truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân đạo và khoan dung của nhân dân Việt Nam.
Trong thời gian chiến tranh, với tư cách là thành viên của 4 Công ước Geneva năm 1949, Việt Nam đã tiến hành việc trao đổi thông tin, viện trợ thuốc men, vệ sinh nước sạch cho người bị thương, trao trả tù binh,… Trong giai đoạn hòa bình hiện nay, các hoạt động nhân đạo tại Việt Nam đã thu được một số kết quả quan trọng, nhất là trong các lĩnh vực phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, và đề cao việc đối xử nhân đạo với các ngư dân trên biển…
Bên cạnh đó, việc tăng cường phổ biến, tuyên truyền Luật Nhân đạo quốc tế trong trường học và cho các đối tượng liên quan cũng là một trong những hoạt động được chú trọng đẩy mạnh. Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế trong các hoạt động này.
Tiến sỹ Lê Thị Tuyết Mai, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế (Bộ Ngoại giao) khẳng định, dịp kỷ niệm 70 năm thông qua các Công ước Geneva 1949 về Luật Nhân đạo quốc tế là cơ hội để cập nhật những phát triển mới trong việc áp dụng và giải thích các quy định của Luật Nhân đạo quốc tế cũng như những nỗ lực gần đây của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy thực thi Luật.
Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đồng thời với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy việc tôn trọng và thực thi hiệu quả các quy tắc của Luật Nhân đạo quốc tế mà nền tảng là các Công ước Geneva 1949.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Tuyết Mai, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục cùng các cơ quan liên quan phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế triển khai tuyên truyền phổ biến Luật Nhân đạo quốc tế và thực hiện các hoạt động nhân đạo trên các lĩnh vực khác nhau như: khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm và xác định danh tính của những người hy sinh trong chiến tranh, phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cứu trợ ngư dân trên biển.
Tác giả bài viết: Thu Hương
Ý kiến bạn đọc
- Đang truy cập44
- Hôm nay3,183
- Hôm qua4,202
- Tháng hiện tại75,300
- Tổng lượt truy cập1,887,538,363