Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương"

Thứ năm - 09/01/2014 14:44
Ngày 6 tháng 12 năm 2012, tại Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn văn hóa phi vật thể diễn ra tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức xác nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tính đến thời điểm này, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản duy nhất ở loại hình tín ngưỡng của Việt Nam được UNESCO vinh danh.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội Đất Tổ Hùng Vương trong đêm khai hội. Ảnh: Anh Phương
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội Đất Tổ Hùng Vương trong đêm khai hội. Ảnh: Anh Phương
Theo đại diện phụ trách báo chí của UNESCO, bà Cecile Duvelle, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam được đánh giá rất cao bởi tín ngưỡng thờ cúng này không chỉ được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng dân cư Việt Nam, nhất là tỉnh Phú Thọ, mà “người Việt Nam còn áp dụng cả tín ngưỡng đó trong giáo dục và nghiên cứu khoa học. Đó là một “cuộc hôn nhân tuyệt đẹp giữa những giá trị tâm linh và những giá trị khoa học”. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được công nhận đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam; điều đó đã chứng minh cho toàn thế giới rằng văn hóa Việt Nam có sức lan toả vô cùng mạnh mẽ và có đủ khả năng hòa mình trong dòng chảy của văn hóa thế giới.

Thờ cúng Hùng Vương không chỉ là một hoạt động tâm linh đơn thuần như các hoạt động thờ cúng khác nhằm mang lại sự chay tịnh cho tâm hồn của con người mà đó còn là hoạt động văn hóa mang tính chất cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Trên lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Như thế, từ hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, trên địa bàn Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã là một đặc trưng trong tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt Nam và ăn sâu vào trong máu thịt của từng người con mang trong mình dòng máu Lạc – Hồng với truyền thuyết cùng sinh ra từ một bọc trăm trứng nặng sâu tình nghĩa “đồng bào”. Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam từ bao đời nay, vua Hùng là vị Tổ đã có công dựng nên quốc gia Văn Lang – Nhà nước đầu tiên, sơ khai của dân tộc Việt Nam. Vua Hùng chính là nguồn gốc tổ tiên chung của cả dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ người dân Việt Nam, vừa thiêng liêng, vừa cụ thể, vừa là điểm tựa tinh thần, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau dựng nước và giữ nước mà Bác Hồ đã tổng kết và khái quát thành chân lý của dân tộc và của thời đại: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Trải qua bao cuộc chiến tranh với những thăng trầm của lịch sử nhưng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn luôn được duy trì và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi ý chí, tinh thần của cả quốc gia, dân tộc. Bởi vậy giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay là biểu tượng đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt; là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Từ thời phong kiến đến ngày nay, hàng năm giỗ Tổ Hùng Vương đều được tổ chức với nghi lễ trang trọng, thành kính. Từ yếu tố tâm linh và sức sống mãnh liệt đó, trong thời gian qua, Phú Thọ đã cố gắng để bảo vệ di sản quý báu này. Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Bảo tàng tỉnh, hằng năm, tỉnh thường xuyên kiểm kê khoa học tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ, mở rộng địa bàn kiểm kê tới các di tích trên địa bàn cả nước và một số di tích trọng điểm thờ Vua Hùng ở nước ngoài; sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở các làng quê trên địa bàn; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương; bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền thờ Vua Hùng ở các làng thuộc tỉnh Phú Thọ; hỗ trợ cộng đồng tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ... Ông Tuấn cho biết thêm, để phục hồi, duy trì và bảo tồn bền vững di sản này trong cuộc sống hôm nay trước hết cần nhận dạng đầy đủ các yếu tố của di sản một cách khoa học. Cần kiểm kê với sự tham gia của cộng đồng và kết quả của kiểm kê là cơ sở xây dựng kế hoạch và biện pháp bảo vệ do cộng đồng xây dựng với sự hiểu biết đầy đủ. Ngoài ra, các không gian văn hóa liên quan đến “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” cần được giới thiệu một cách chuyên nghiệp và sâu sắc những nét đặc trưng của di sản văn hóa. Để đạt được điều đó, việc đào tạo một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp là rất quan trọng; từ những người tham gia vào các hoạt động nghiên cứu cho đến đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ có kiến thức sâu rộng về văn hóa và du lịch, đặc biệt phải có kiến thức về việc bảo tồn di sản văn hóa, các quy tắc, chuẩn mực, mục tiêu và các yêu cầu trong việc thực hiện các công việc chuyên môn. Bên cạnh đó, nên khuyến khích các cộng đồng tự quản lý di sản văn hóa của mình, phải đào tạo và trang bị cho cộng đồng những kiến thức để tự quản một cách hợp lý. Coi trọng việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng và khuyến khích họ quản lý những di sản đó là việc làm cần thiết, trước mắt.

Đức Thuận (Theo PTO)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây