Người khởi xướng những chương trình hiến máu tình nguyện
Cách làm mà GS, TS Nguyễn Anh Trí đóng góp thể hiện qua việc tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, nhờ đó đã thống nhất hành động và tăng thêm hiệu quả của việc vận động hiến máu trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời tổ chức thực hiện việc chuyển đổi nguồn người bán máu chuyên nghiệp và hiến máu tình nguyện có nhận tiền bồi dưỡng thành người hiến máu tình nguyện không lấy tiền. Nhờ đó, từ 2004 đến nay Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã tạo được nguồn người hiến máu an toàn; tổ chức lực lượng hiến máu dự bị hiệu quả và bền vững tại Hà Nội và cả ở một số vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Sáng tạo đề xuất việc xây dựng mô hình "Kết bạn cùng nhóm" trong Câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm (Rh-), nhờ vậy nên đã có nguồn máu hiếm cấp cứu cho hàng trăm ca bệnh hiểm nghèo.
Ông là người khởi xướng, tổ chức thực hiện, kết nối, phối hợp tốt các tổ chức, đơn vị bạn (Ban chỉ đạo vận động hiến máu nhân đạo, Chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên...) triển khai thành công nhiều sự kiện, nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu, rộng và hiệu quả trong phong trào Hiến máu nhân đạo. Đồng thời tổ chức thành công các sự kiện nhân Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4), Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện (14- 6); Festival Trái tim nhân ái, Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu; cũng như nhiều chương trình: Tuyến phố hiến máu, Mỗi phường/xã là một điểm hiến máu... qua đó động viên, cổ vũ mạnh mẽ phong trào hiến máu nhân đạo trong cả nước.
Đáng chú ý, trong bốn năm trở lại đây, vào dịp Tết đến, Xuân về thì những người thầy thuốc chuyên ngành huyết học và truyền máu đã tạo bước đột phá, làm thay đổi nhận thức của đông đảo người dân về quan niệm "Hiến máu cứu người - Một nghĩa cử cao đẹp" đó là chủ trì và tổ chức thành công "Lễ hội Xuân hồng", một lễ hội của lòng nhân ái. Kết quả của Lễ hội Xuân hồng có tính bền vững trên nhiều khía cạnh: Lễ hội Xuân hồng có sức sống mạnh mẽ, kể từ lần đầu tổ chức đến nay, số lượng người đến tham gia, số người đăng ký hiến máu và số máu tiếp nhận năm sau tăng hơn năm trước. Qua năm năm tổ chức, riêng tại Hà Nội đã thu được 23.072 đơn vị máu, giúp hàng chục nghìn người bệnh, nhất là người bệnh cấp cứu được cứu sống và tình trạng thiếu máu sau Tết Nguyên đán cơ bản được giải quyết. Thành công của Lễ hội Xuân hồng đã góp phần làm thay đổi quan niệm hiến máu đầu năm "sẽ mất may mắn" của người dân - nhất là ở các bạn trẻ. Số lượng người đăng ký tham gia hiến máu tăng nhanh, cho thấy đây là một lễ hội lành mạnh, an toàn và phù hợp với thuần phong mỹ tục cũng như tâm tư nguyện vọng của nhân dân - nhất là ở các bạn trẻ. Đây cũng là cơ hội tốt để tập dượt việc tổ chức triển khai tiếp nhận máu khi có các thảm họa, thiên tai lớn xảy ra. Chính vì thế, nên Ban chỉ đạo quốc gia hiến máu tình nguyện đã đề nghị bắt đầu từ năm 2010 Lễ hội Xuân hồng hằng năm được phát động trên phạm vi toàn quốc.
Phong trào hiến máu nhân đạo đã thật sự mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, góp phần vào bảo đảm an sinh xã hội. Ước tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 5 triệu lượt người hiến máu tình nguyện, lượng máu thu được năm sau tăng hơn năm trước. Phong trào góp phần tích cực trong giáo dục đạo đức, ý thức "Vì cộng đồng". Hành động hiến máu trở thành hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp vì sự sống của người bệnh, vì lợi ích của cộng đồng. Qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, ngày càng nhiều thêm những người hiến máu tới 40, 50, 60 lần, thậm chí có trường hợp hiến máu hơn 100 lần. Đây thật sự là những hình ảnh đẹp, thể hiện đậm nét tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách", "người trong một nước phải thương nhau cùng" của người dân Việt Nam. Hiện nay nhu cầu cần truyền máu tiếp tục tăng do tai nạn giao thông, các bệnh ung thư máu, thiếu máu... cho nên việc có thêm một đơn vị máu là có thể cứu sống được một mạng người, về với cộng đồng, điều này có ý nghĩa to lớn về mặt an sinh xã hội. Việc đẩy mạnh phong trào hiến máu tình nguyện cũng đã từng bước đẩy lùi tình trạng mua, bán máu, được coi là "vấn nạn" của những năm từ thập kỷ 90 trở về trước. Hiện nay ở hầu hết các bệnh viện trên toàn quốc, tình trạng mua, bán máu đã cơ bản được xóa bỏ, người bệnh khá yên tâm khi cần phải truyền máu. Việc có thêm nguồn máu chất lượng cao để cung cấp cho các bệnh viện không chỉ ở các thành phố lớn mà cả ở các tỉnh xa và khó khăn.
Đức Thuận (Theo Baomoi.com)
Ý kiến bạn đọc
- Đang truy cập25
- Hôm nay3,475
- Hôm qua2,442
- Tháng hiện tại14,123
- Tổng lượt truy cập1,886,984,393