Hiến máu thường xuyên để “giữ nhịp đập trái tim”
Máu là sự sống của mỗi người, bất kể người khỏe hay người ốm. Với người bệnh, từng đơn vị máu càng trở nên quý giá bởi đó không chỉ là sự giúp đỡ, sự sẻ chia của cộng đồng, mà chính là nguồn sống, là cơ hội để được hồi sinh, để được tiếp thêm hi vọng. Nhờ có máu mà nhịp đập trái tim, hơi thở và cuộc sống của người bệnh được duy trì.
Với mỗi người dân trong cộng đồng, rèn luyện sức khỏe đều đặn là để giữ cho trái tim mình luôn khỏe mạnh. Mỗi người khỏe mạnh trước hết là có lợi cho bản thân mình, sau đó còn giúp cả xã hội khỏe mạnh và mang lại những giá trị khác cho cộng đồng. Và giữ nhịp độ hiến máu thường xuyên cũng chính là cách để giữ nhịp trái tim cho những người bệnh cần máu.
Máu hiến tặng có thể giúp cứu sống cho những trường hợp bị tai nạn, chấn thương, sản phụ mất máu sau sinh…; và cũng để duy trì sự sống, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho những người bệnh cần truyền máu thường xuyên.
Bên cạnh đó, thông qua mỗi lần hiến máu, người hiến máu có thêm cơ hội để được kiểm tra và giám sát sức khỏe của mình; đồng thời giúp cơ sở tiếp nhận máu thực hiện công tác tư vấn cho người hiến máu nhằm bảo vệ tốt hơn nguồn người hiến máu.
Đó chính là ý nghĩa của thông điệp “Giữ nhịp đập trái tim” được Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn cho ngày Quốc tế người hiến máu 14/6 năm 2021.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 10 bệnh nhân thì có 1 người cần truyền máu. Ước tính ở nước ta, mỗi ngày cần đến 5.200 đơn vị máu cho cấp cứu và điều trị. Nhu cầu về máu là phổ biến, nhưng cơ hội được đáp ứng đủ máu và chế phẩm máu của tất cả những người cần máu thì chưa thể được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Tình trạng khan hiếm máu vẫn xảy ra ở nhiều nước đang phát triển, nhiều địa phương, nhất là trong thiên tai, dịch bệnh.
Năm 2005, tại Kỳ họp thứ 58 của Đại hội đồng Y tế thế giới, Tổ chức Y tế thế giới đã quyết định lấy ngày 14/6 là Ngày Quốc tế người hiến máu. Đây là dịp đặc biệt để tri ân, tôn vinh người hiến máu và khuyến khích nhiều người hơn tham gia hiến máu tình nguyện, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết của các chế phẩm máu an toàn. Ngày này cũng là dịp để cộng đồng tưởng nhớ nhà bác học đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO – giáo sư Karl Landsteiner (người Mỹ gốc Áo), ông sinh ngày 14/6/1858.
Nhân dịp này, Tổ chức Y tế thế giới cũng kêu gọi Chính phủ, ngành y tế và dịch vụ truyền máu của các quốc gia đảm bảo đủ nguồn lực, cơ sở vật chất để đảm bảo công tác tiếp nhận máu chất lượng, hiệu quả.
Trong gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới các hoạt động hiến máu và an toàn truyền máu trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Mặc dù vậy, vượt qua những thách thức của công tác tổ chức hiến máu trong mùa dịch, hàng triệu người trên toàn thế giới vẫn tiếp tục nỗ lực hiến máu, hiến thành phần máu cho người bệnh, trong đó có cả máu giúp điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Người dân đến hiến máu, hiến tiểu cầu sau lời kêu gọi của Viện Huyết học – Truyền máu TW.
Tại Việt Nam, năm 2020, cả nước đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu. Trong đó, 99% lượng máu tiếp nhận là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu, góp phần cứu sống hàng ngàn người bệnh cần truyền máu. Hơn 1 triệu người ở mọi lứa tuổi, tôn giáo, ngành nghề, địa phương, từ các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, người dân, nghệ sĩ… đã chung lẽ sống, suy nghĩ, niềm tin và hành động để góp phần nhỏ bé giúp nguồn máu trở lại dồi dào, giúp ngành y tế vượt qua cơn khủng hoảng máu, hết lần này đến lần khác.
Những nỗ lực phi thường ấy đã càng khẳng định vai trò quan trọng của những người hiến máu tình nguyện nhằm đảm bảo nguồn máu an toàn, dù trong điều kiện bình thường hay những tình huống khẩn cấp. Tinh thần đoàn kết, sự chung sức của cộng đồng đã tạo nên những điều kỳ diệu, mang đến những liều vắc xin quý giá cho người bệnh cần máu.
Tác giả: Thanh Hằng
Ảnh: Công Thắng, thiết kế: Trần Chiến
Ý kiến bạn đọc
- Đang truy cập29
- Máy chủ tìm kiếm2
- Khách viếng thăm27
- Hôm nay3,643
- Hôm qua8,146
- Tháng hiện tại157,954
- Tổng lượt truy cập1,886,719,831