Điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ xã Tiêu Sơn: Nơi lan tỏa mạnh mẽ các giá trị nhân đạo
Đã nhiều năm nay người dân Đoan Hùng cùng du khách qua lại khu vực km 102 trên tuyến Quốc lộ II đều biết đến điểm sơ cấp cứu giao thông đường bộ tại xã Tiêu Sơn huyện Đoan Hùng và các tình nguyện viên Chữ thập đỏ ở đây. Họ là những người nông dân, thợ xây, bộ đội nghỉ hưu, những năm gần đây có cả Bác sỹ nghỉ hưu tình ngyện tham gia. Những việc làm thầm lặng của họ góp phần làm giảm thương vong đau đớn cho nạn nhân không may gặp tai nạn giao thông, và hơn thế nữa những việc làm của họ đang lan tỏa mạnh mẽ các giá trị nhân đạo làm cho cuộc sống ngày càng thân thiện và tốt đẹp hơn.
Trong ký ức của nhiều người vẫn không quên vụ tai nạn giao thông kinh hoàng năm 2009 giữa hai xe ô tô chở khách xảy ra tại thôn 11 xã Tiêu Sơn làm 11 người chết và nhiều người bị thương, trong khi cửa xe bị tai nạn không mở được, những người bị tai nạn vẫn giẫy dụa trong xe thì hàng trăm người dân trong khu vực đã đem xà beng, búa tạ phá cửa xe, đưa người bị thương đi cấp cứu, đưa người tử vong ra khỏi xe.
Thời gian này ở Đoan Hùng mới chỉ có 01 bệnh viện, xe cứu thương chỉ có 01 chiếc, việc huy động xe chở người bị thương rất khó khăn, lại không có sự hướng dẫn của Bác sỹ. Mặc dù người dân rất nhiệt tình không ngại máu me lao vào cấp cứu nạn nhân. Tuy nhiên do không có kỹ năng, phương pháp, nên không tránh được những hậu quả khôn lường, trên 40 nạn nhân của hai xe ca được chuyển đến bệnh viện Đoan Hùng, rất nhiều tài sản tiền bạc của hành khách được bảo quản nguyên vẹn, nhưng số người tử vong cao hơn so với tiên lượng ban đầu của Bác sỹ vì trong quá trình sơ cấp cứu vận chuyển bệnh nhân không đúng kỹ thuật. có trường hợp bệnh nhân gẫy xương sườn, bị bế sốc lên nên xương cắm vào phổi dẫn đến tử vong.
Là Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện cùng lực lượng công an khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn xảy ra năm đó, ông Phạm Văn Học có rất nhiều tâm tư. Ngay sau vụ tai nạn giao thông kinh hoàng ấy, ông Phạm Văn Học đưa ra ý tưởng thành lập đội cứu nạn giao thông đường bộ tại xã Tiêu Sơn, lựa chọn những người có sức khỏe, nhiệt tình đưa đi huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu. Ý tưởng của ông Phạm Văn Học được đưa ra đúng lúc Hội Chữ thập đỏ Phú Thọ thành lập và đưa vào hoạt động trên 100 điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ, trong đó có điểm Sơ cấp cứu TNGT đường bộ xã Tiêu Sơn và điểm sơ cấp cứu TNGT đường thủy Thị trấn Đoan Hùng. Nhiệt tình, tâm huyết và có kiến thức kỹ năng về sơ cấp cứu, các thành viên trong đội đã tham gia cấp cứu cho hàng trăm người bị tai nạn, trước khi có xe cứu thương chở đến cơ sở Y tế. Các thành viên ở đây làm việc với tinh thần tự nguyện, không lương, thù lao, nhưng đổi lại họ được rất nhiều người xa gần yêu mến. Có những câu chuyện rất cảm động, anh Phạm Văn Thành là lái xe, cách đây 5 năm anh được anh em trong đội cấp cứu, nhưng cả đội cứu nạn không ai còn nhớ nữa, anh đem đến biếu các thành viên trong đội một bó mía to, làm mọi người đều ngỡ ngàng. Và có rất nhiều người được cấp cứu hoặc người thân của họ được cấp cứu ở đây sau nhiều năm đã tìm về để cảm ơn các thành viên đội cứu nạn. Không chỉ cấp cứu người bị thương, đội cứu nạn còn chăm sóc cho người xấu số. Trường hợp nạn nhân Nguyễn Văn Bảo 54 tuổi đi xe máy bị xe tải đâm ngược chiều, thi thể không còn nguyên vẹn, các thành viên trong đội đã lo khâm liệm chu đáo. Và còn rất nhiều câu chuyện, những tình cảm mà mọi người giành cho đội Tình nguyện viên điểm sơ cấp cứu CTĐ xã Tiêu Sơn huyện Đoan Hùng.
Trong những ngày tết các đồng chí lãnh đạo huyện, lãnh đạo Hội CTĐ tỉnh đã dành thời gian đến thăm và động viên các thành viên trong đội. Các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương đã nhiều lần đăng bài phản ánh về mô hình hoạt động tự nguyện này. Hoạt động của đội như được chắp thêm cánh khi điểm Sơ cấp cứu CTĐ xã Tiêu Sơn đã được Sở Y tế Phú Thọ đã cấp phép hoạt động. Ông Phạm Văn Học, nguyên là Phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân huyện Đoan Hùng, người có tâm huyết xây dựng đội giờ là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Bệnh viện đa khoa tư nhân Hùng Vương đã đỡ đầu cho các hoạt động của đội. Các thành viên trong đội và thân nhân trong gia đình họ được Bệnh viện tặng thẻ BHYT để họ yên tâm gắn bó với công việc, 11 thành viên trong đội đều được Hội CTĐ tỉnh tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu. Đầu năm 2019, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương đã tặng, trang bị trực tiếp cho đội một xe cứu thương. Được ông Phan Tất Thọ đội trưởng cho mượn đất lâu dài, bệnh viện Hùng Vương đã đầu tư phần lớn kinh phí xây một căn nhà khang trang ngay trên tuyến Quốc lộ II, làm nơi để các thành viên trong đội “ứng trực” tiếp nhận thông tin, giao ban hội họp.
Từ khi được trang bị xe ô tô cứu thương, không chỉ cứu nạn giao thông mà các thành viên trong đội luôn có mặt, kịp thời sơ cấp cứu các trường hợp tai nạn lao động, đột quỵ và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Các thành viên trong đội còn tích cực hướng dẫn nhiều người biết sơ cấp cứu, tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo. Được cấp ủy, chính quyền, Hội CTĐ các cấp động viên, khen thưởng kịp thời, mỗi thành viên trong đội có thêm động lực để tiếp tục giúp ích cho đời, lan tỏa mạnh các giá trị nhân đạo trên địa bàn Đoan Hùng.
Tác giả bài viết: Thanh Hồng
Ý kiến bạn đọc
- Đang truy cập24
- Hôm nay5,960
- Hôm qua12,092
- Tháng hiện tại75,278
- Tổng lượt truy cập1,886,388,143