Phú Thọ: 10 năm, tổng giá trị 7 lĩnh vực hoạt động chữ thập đỏ đạt 232,923 tỷ đồng
Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của ông Bùi Văn Huấn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ cùng với sự tham gia của các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh Hội và cán bộ, viên chức Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ.
Ngay sau khi Luật hoạt động Chữ thập đỏ được ban hành và có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành thị, các ngành và Hội Chữ thập đỏ triển khai thực hiện, xác định rõ nhiệm vụ của UBND, các ngành, đặc biệt là các cấp Hội Chữ thập đỏ trong việc triển khai thực hiện luật, gắn các nội dung của luật với triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua và nhiệm vụ công tác Hội. Các cấp Hội đã cụ thể hóa việc thực hiện Luật trong chương trình, kế hoạch hoạt động các nhiệm kỳ; lồng ghép tuyên truyền trong các hội nghị, các lớp đào tạo huấn luyện.
Trong 10 năm, các cấp Hội đã tổ chức 683 lớp tập huấn cho 9.985 lượt cán bộ Hội, tổ chức 1.552 buổi tuyên truyền trong cộng đồng và tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở.
Hàng năm, Hội được UBND tỉnh giao biên chế, bố trí kinh phí tương ứng với các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, đảm bảo chi lương cho cán bộ, viên chức và hỗ trợ hoạt động; quyết định lãnh đạo Hội các cấp tham gia Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Ban An toàn giao thông; ban vận động và quản lý quỹ Vì người nghèo; hàng năm UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” và phong trào hiến máu tình nguyện.
Đối với các huyện, thành, thị và cơ sở, cấp ủy, chính quyền đã thường xuyên chỉ đạo, tạo điều kiện cho Hội Chữ thập đỏ hoạt động có hiệu quả, phát huy vai trò nòng cốt trong hoạt động nhân đạo. Đội ngũ cán bộ Hội các cấp được củng cố, kiện toàn; công tác đào tạo cán bộ Hội đã được quan tâm; kinh phí, trang bị cơ sở vật chất được bảo đảm theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện của địa phương. Một số địa phương đã thành lập tổ chức Hội trong các cơ quan hành chính sự nghiệp và đưa hoạt động của tổ chức Hội Chữ thập đỏ là một tiêu chí đánh giá thi đua của cơ quan, đơn vị hàng năm.
10 năm qua, hoạt động Chữ thập đỏ tại tỉnh Phú Thọ được thực hiện đúng Luật và đạt được những hiệu quả thiết thực. Hệ thống tổ chức Hội ổn định ở 3 cấp, hoạt động đúng pháp luật, điều lệ Hội, phong trào sâu rộng, hiệu quả an sinh xã hội cao. Bộ máy các phòng, ban chuyên môn của Tỉnh Hội được tinh gọn. Các cấp Hội trong tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tích cực phối hợp với các ngành triển khai hoạt động nhân đạo xã hội, thực hiện toàn diện, hiệu quả công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ.
Công tác xã hội nhân đạo vận động được 192,036 tỷ đồng, trợ giúp cho 1.176.027 lượt đối tượng; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng đạt tổng giá trị hoạt động 22,590 tỷ đồng với hoạt động nổi bật là khám bệnh nhân đạo, các mô hình cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu cộng đồng, tặng thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện “Nồi cháo nghĩa tình”; công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện tiếp nhận 97.598 đơn vị máu đã đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cho cấp cứu, điều trị.
Tổng giá trị 7 lĩnh vực hoạt động trong 10 năm đạt 232,923 tỷ đồng, trợ giúp cho 1.476.190 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Phong trào tiếp tục phát triển toàn diện, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, hoạt động của Hội còn gặp một số hạn chế, khó khăn như: Nhận thức về vai trò của Hội Chữ thập đỏ ở một số cơ sở chưa rõ nét; việc quán triệt và tổ chức thực hiện luật chưa thực sự toàn diện, công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá rút kinh nghiệm chưa kịp thời; sự phối hợp giữa tổ chức Hội với MTTQ, các ngành, đoàn thể có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; đội ngũ cán bộ Hội cơ sở thường xuyên biến động, thiếu nhạy bén, sáng tạo trong tham mưu và tổ chức thực hiện; chính sách đối với cán bộ, mức hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, phương tiện làm việc còn thấp; quy trình thành lập cơ sở hội chưa thống nhất, khó thực hiện; công tác tham mưu thiếu chủ động, mạnh dạn, công tác vận động, điều phối các nguồn lực còn hạn chế; hoạt động từ thiện tự phát chưa được quản lý, định hướng, cơ quan chức năng chậm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Tại hội thảo, các ý kiến phát biểu đều nhấn mạnh đến quá trình triển khai thực hiện Luật hoạt động Chữ thập đỏ; những kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện và những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện; sự phối hợp của Hội Chữ thập đỏ với MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể; đưa ra các giải pháp và các kiến nghị, đề xuất để tiếp tục đưa Luật hoạt động Chữ thập đỏ vào cuộc sống.
Kết quả của Hội thảo là cơ sở để Thường trực Tỉnh Hội tổng hợp, đưa vào nội dung báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật hoạt động Chữ thập đỏ.
Tác giả bài viết: Cao Hiền
Ý kiến bạn đọc
- Đang truy cập24
- Hôm nay5,452
- Hôm qua12,092
- Tháng hiện tại74,770
- Tổng lượt truy cập1,886,387,635