Những kết quả ban đầu của chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật”

Thứ năm - 18/04/2024 23:30
111d1161916t5285l10 z4253062756681 96942
Bữa ăn đầu tiên tại bếp ăn bán trú mới của các em điểm trường Trại Yên, Xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ

Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ triển khai ngay sau khi Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức, phát động. Để triển khai chương trình, năm 2023, các cấp Hội trong tỉnh đã tiến hành rà soát cập nhật thông tin. Toàn tỉnh đã khảo sát 12.316 hộ nghèo, 9.241 hộ cận nghèo, xác định tại thời điểm khảo sát có 4.505 trẻ em dưới 12 tuổi thuộc hộ nghèo, số trẻ em khuyết tật dưới 17 tuổi là 1.002 trẻ; số trẻ em suy dinh dưỡng 4.123 trẻ. 

Xác định đây là chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc sức khỏe, cải thiện dinh dưỡng, nâng cao thể lực, có cơ hội học tập tốt, giúp các bậc phụ huynh bớt đi nỗi âu lo về sức khỏe của các em. Các cấp Hội trong tỉnh đã nỗ lực vận động, kết nối, thu hút được nguồn lực to lớn. Ngay đầu năm 2023, tỉnh Hội đã tiếp nhận, cấp phát và trao tặng 63.285 sản phẩm quần áo đồng phục do tổ chức GNI Hàn Quốc tài trợ cho 35.399 học sinh của 464 trường học trên địa bàn tỉnh, trị giá 48,73 tỷ đồng; hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho 530 trẻ em ngoài cộng đồng và 2.976 trẻ em trong trường học; vận động và hỗ trợ sữa, các sản phẩm dinh dưỡng cho 5.617 học sinh tại các điểm trường; hỗ trợ tiền mặt, tặng học bổng cho 224 học sinh; vận động trao tặng 280 xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và trao tặng 3 xe lăn cho trẻ em khuyết tật.

sua 2
Trao sữa dinh dưỡng, sữa bột cho trẻ em trên địa bàn huyện Thanh Sơn do Nutifood tài trợ

Với nỗ lực kết nối triển khai chương trình "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật", tháng 4/2023 Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã vận động bà Dương Thị Minh Hồng (xã Vân Phú, thành phố Việt Trì) tài trợ.xây mới 01 bếp ăn bán trú cho điểm trường mầm non Trại Yên, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, trị giá 146.164.000 đồng. Đồng thời tích cực vận động nguồn lực xây dựng mô hình “Cơm bán trú miễn phí" - một trong những hoạt động đáp ứng yêu cầu cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật, phù hợp với thực trạng địa phương. 

Bằng hình thức thông qua Ban giám hiệu các trường dân tộc nội trú, bán trú, các trường có tổ chức bếp bán trú, Hội Chữ thập đỏ và các nhà hảo tâm đã ủng hộ kinh phí, lương thực, các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm, rau củ quả sạch để các nhà trường tổ chức chế biến, tặng suất ăn bán trú cho học sinh nghèo khuyết tật. Trong năm 2023 có gần 100 học sinh Trường THCS Yên Lương và Trường THCS Thượng Cửu huyện Thanh Sơn; 24 cháu học sinh mần non các trường trên địa bàn thành phố Việt Trì đã được hỗ trợ từ mô hình “Cơm bán trú miễn phí” với tổng giá trị trên 500 triệu đồng. 

Mô hình “Cơm bán trú miễn phí” là sự chung tay góp sức từ cộng đồng. Từ khi có mô hình “Cơm bán trú miễn phí” tại trường học các học sinh đi học đều hơn, sự phát triển thể chất, kỹ năng về ngôn ngữ, nhận thức và kỹ năng xã hội cũng tốt hơn. Đây cũng là điều mà các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành và các nhà hảo tâm mong đợi và hướng đến. Những kết quả đạt được từ mô hình “Cơm bán trú miễn phí” không chỉ dừng lại ở việc chăm lo bữa ăn cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà còn thể hiện được niềm tin của những mạnh thường quân và nhà hảo tâm gắn bó với hoạt động Hội.

Tuy nhiên, mô hình “Cơm bán trú miễn phí” chưa được triển khai đồng bộ hiệu quả trên địa bàn tỉnh đặc biệt là các trường học thuộc các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Để mô hình “Cơm bán trú miễn phí” gắn với chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo khuyết tật” được phát huy hiệu quả cần phải thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ em trong trường học; cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.

Thứ hai, phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường rà soát đối tượng hưởng lợi để có kế hoạch vận động tạo nguồn lực để duy trì, phát triển mô hình lâu dài bền vững..

Thứ ba, quản lý và nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với học sinh mà còn tạo dựng cho nhà trường một môi trường giáo dục lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nhân cách, phẩm chất đạo đức cho học sinh.

"Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". Đây là hai câu thơ chứa chan tình yêu thương của Bác Hồ đối với trẻ em. Đến nay, lời dạy của Người  vẫn vẹn nguyên giá trị. Duy trì bền vững, hiệu quả, nâng cao chất lượng mô hình "Cơm bán trú miễn phí" là giải pháp hữu hiệu nhằm giúp cho trẻ em nghèo, khuyết tật được cải thiện dinh dưỡng, phát triển thể lực, trí tuệ và nhân cách con người mới như Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi.
 

Tác giả bài viết: Thùy Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây