TÂN SƠN: KINH NGHIỆM CỦA XÓM DÙNG TRONG GIỮ GÌN CÔNG TRÌNH NƯỚC SẠCH
Tại các bản vùng cao trên địa bàn huyện Tân Sơn nhiều năm qua đã được sử dụng nước sạch do các tổ chức Quốc tế tài trợ, tuy nhiên, đã có nhiều công trình xuống cấp song cũng có những nơi có cách làm hay để giữ gìn công trình được sử dụng lâu dài như xóm Dùng 2, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn.
Năm 2009, được sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ Na Uy thông qua Hội CTĐ huyện Tân Sơn hỗ trợ công trình nước sạch tự chảy tại xóm Dùng II, đến thời điểm này nước sạch được tài trợ cho 76 hộ gia đình trong khu sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Kết hợp với gần 20 ha rừng tự nhiên sẵn có, dự án đã thực hiện trồng thêm 11 ha rừng đầu nguồn với các cây bản địa như trám, trẩu, xoài, sung, cơi, chuối phấn, tre, bương…và keo hạt ngoại, mỡ, bạch đàn mô để giữ và đảm bảo nguồn nước sạch quanh năm để người dân dùng sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Do ý thức được việc thiếu nước gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt từ nhiều năm trước nên ngay khi công trình nước sạch tự chảy được đưa vào sử dụng, khu dân cư đã lập ra tổ tự quản để bảo vệ công trình được sử dụng lâu dài.
Tổ tự quản có 6 người, thay phiên nhau phát quang bụi rậm, khai thông nguồn nước để công trình không bị tắc, nhất là sau mỗi trận mưa lũ. Anh Nguyễn Văn Luật, người tham gia tổ tự quản từ khi thành lập hiện là công an viên của khu chia sẻ: “Tôi tham gia và được phân công là tổ trưởng tổ tự quản từ năm 2009 đến giờ, theo định kỳ hai tháng chúng tôi dọn dẹp, phát quang, vệ sinh bể chứa nước một lần, cứ 5 ngày lại cử người lên đầu nguồn để khơi thông dòng chảy, từ đó đến nay chưa bao giờ để cho công trình gặp sự cố hay mất nước”.
Để không bị lãng phí nước sạch, Chi bộ khu dân cư đã họp bàn, lắp đồng hồ nước đến từng hộ gia đình và thu tiền các hộ dùng để chi phí thay thế phụ tùng, vòi, đường ống nếu không may hỏng hóc, số tiền còn lại chi hỗ trợ một phần trách nhiệm cho các thành viên trong tổ. Trong mỗi lần sinh hoạt Chi bộ hoặc họp khu dân cư, các hộ dân luôn luôn nhắc nhở nhau phải bảo quản công trình để được sử dụng lâu dài, vì thế người dân ai cũng ý thức giữ gìn công trình, tiết kiệm trong sử dụng nước hàng ngày cũng chỉ với mong muốn công trình tồn tại mãi mãi.
Đi bộ hơn 4 km, chúng tôi đi vào sâu trong khe núi, nơi xây dựng đập và đặt bể dẫn nước ngang lòng suối và chứng kiến rừng đầu nguồn đang phát triển xanh tốt. Tại đây bà Hà Thị Vướng, người dân ở khu Dùng 2 cho biết: “Ý thức được nước ở đầu nguồn quan trọng nên người dân chúng tôi thay nhau thường xuyên vào vệ sinh nên nước đủ dùng quanh năm, không lúc nào thiếu.
Nhờ cách làm thiết thực để bảo vệ công trình được sử dụng lâu dài nên nhiều năm qua, người dân xóm Dùng nói chung và chị em phụ nữ nói riêng có thêm thời gian để chăm sóc gia đình, các bệnh lây nhiễm thông thường do thiếu nước sinh hoạt không còn.
Nhờ làm tốt công tác bảo quản công trình nước sạch ở xóm Dùng đã phát huy hiệu quả trong hơn 10 năm qua, nhờ vậy mà làng bản đã thực hiện tốt công tác ăn ở hợp vệ sinh, làng bản ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Để dự án tiếp tục đạt hiệu quả, trong thời gian tới, Hội CTĐ huyện sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền và các ban ngành đoàn thể địa phương tuyên truyền thường xuyên tới người dân để tiếp tục duy trì dự án rừng đầu nguồn, bảo vệ đường ống; Kiểm tra sửa chữa kịp thời nước đầu nguồn cùng hệ thống ống, bể chứa, bể lọc nếu có hư hỏng; Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, tăng cường tuyên truyền, phát huy hiệu quả của các tổ tình nguyện viên. Tập huấn về NS&VSMT, kiến thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nghiệp vụ kỹ thuật nuôi trồng các cây con giống để bà con thực hiện tốt dự án từ đó phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Tác giả bài viết: Hồng Nga
Ý kiến bạn đọc
- Đang truy cập23
- Hôm nay3,721
- Hôm qua3,792
- Tháng hiện tại41,574
- Tổng lượt truy cập1,887,011,844