Hội Chữ thập đỏ Phú Thọ: Thực hiện tốt công tác tham mưu, vận động chính sách để tăng cường hiệu quả hoạt động và nâng cao vị thế của Hội trong hoạt động nhân đạo
Vinh dự, tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng, sáng lập. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một tổ chức xã hội có tính đặc thù, hoạt động theo pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, nguyên tắc cơ bản của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ Quốc tế. Trải qua hơn 77 năm hình thành và phát triển, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các hoạt động nhân đạo, xác định công tác nhân đạo là một bộ phận trong công tác dân vận của Đảng, Nhà nước.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng và cao cả này, Chiến lược “Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, thiết thực trợ giúp người nghèo, người dễ bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái, đóng góp tích cực trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Trong nhiệm kỳ 2022-2027, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã xác định hai khâu đột phá, tập trung triển khai các phong trào, các cuộc vận động, các đề án, chương trình trọng điểm. Một trong hai khâu đột phá được xác định, đó là: "Vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội, chủ trì cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo".
Bám sát các nội dung của Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ X, lần thứ XI, Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ đã chủ động, kịp thời đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình phối hợp để cụ thể hóa tất cả các lĩnh vực công tác Hội và hoạt động Chữ thập đỏ. Các nội dung tham mưu xây dựng, ban hành văn bản cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác và điều hành và chỉ đạo phong trào của các cấp Hội trong tỉnh.
1. Về công tác xây dựng Tổ chức Hội
Trước yêu cầu của công tác xây dựng tổ chức Hội, liên tục từ năm 2011 đến nay, Thường trực Tỉnh Hội đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh uỷ ban hành các văn bản triển khai chỉ thị 43/2010 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với Hội Chữ thập đỏ trong tình hình mới, ban hành thông tri lãnh đạo đại hội các nhiệm kỳ, phân công lãnh đạo Thường trực Tỉnh uỷ làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ tỉnh, quyết định đưa nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Chữ thập đỏ trong danh mục đào tạo, bồi dưỡng được bố trí ngân sách hàng năm của Trường Chính trị tỉnh; Tham mưu cho Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết, quyết định tăng cường, bổ sung và ổn định biên chế, quỹ tiền lương, phụ cấp công vụ đối với cán bộ lãnh đạo cơ quan chuyên trách Hội cấp tỉnh và cấp huyện. Thông qua Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, đề xuất Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định bố trí ổn định Chức danh Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ cấp xã nằm trong định biên các chức danh cán bộ không chuyên trách cấp xã, được hưởng phụ cấp từ ngân sách địa phương theo Nghị định của Chính phủ. Gần đây nhất, Thường trực tỉnh Hội đã ban hành văn bản đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành thị quan tâm bố trí chức danh Chi hội trưởng Chữ thập đỏ ở khu dân cư vào danh mục 8 chức danh ở khu dân cư được hưởng mức thù lao hàng tháng từ tháng 01/2024, theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Đáp ứng yêu cầu quản lý Hội viên, tình nguyện viên trong tình hình mới, Hội chủ động phối hợp với Công an tỉnh triển khai cập nhật thông tin Hội viên, tình nguyện viên vào hệ thống quản lý dữ liệu dân cư, đến hết năm 2023, tỷ lệ cập nhật đã đạt trên 80%. Thường trực Tỉnh Hội thường xuyên làm việc, trao đổi với Thường trực cấp uỷ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành thị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Hội, bố trí điều kiện, cơ sở vật chất làm việc cho các cơ quan Hội chuyên trách và cán bộ Hội cấp xã đáp ứng tốt nhất theo điều kiện của địa phương.
2. Về công tác xã hội nhân đạo và các hoạt động Chữ thập đỏ
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh Hội đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Luật Hoạt động Chữ thập đỏ, Chỉ thị 43/2020 của Ban Bí thư, Chỉ thị 18/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các Nghị định của Chính phủ điều chỉnh các lĩnh vực liên quan đến Hội Chữ thập đỏ và hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhan dân tỉnh mang tính thống nhất, hệ thống, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả. Trong đó dặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, định hướng của các cấp uỷ, vai trò quản lý, hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận 44/2022, trong năm 2023, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, triển khai thực hiện kết luận 44/2022 của Ban Bí thư và Quyết định số 895/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 43/2010 của Ban Bí thư khoá X " Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam". Đặc biệt kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh nêu rõ trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, trách nhiệm tham gia các lĩnh vực kinh tế xã hội cụ thể giữa Hội Chữ thập đỏ với các sở ban, ngành trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh. Cũng trong năm 2023, Hội đã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh ký kết, ban hành Quy chế phối hợp thực hiện Nghị định 93/2021 của Chính phủ ”về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”. Các kế hoạch của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã nhanh chóng được các cấp uỷ, chính quyền tiếp thu, triển khai nghiêm túc.
Để đảm bảo vai trò và nâng cao chất lượng của Hội vào các hoạt động kinh tế xã hội ở địa phương, Thường trực Tỉnh Hội đã tham mưu cho UBND tỉnh quyết định và chỉ đạo thống nhất bố trí lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tham gia làm thành viên Ban An toàn Giao thông, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn, các Ban chỉ đạo Diễn tập, Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới, Ban chỉ đạo giảm nghèo, Ban vận động và điều hành Quỹ Vì người nghèo các cấp. Với vai trò thành viên, các cấp Hội đã nỗ lực, cố gắng trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đóng góp hiệu quả vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ kinh nghiệm triển khai dự án Ngân hàng bò, năm 2014, trên cơ sở kết quả vận động tài trợ 3 tỷ đồng của Công ty cổ phần Ao Vua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã đề xuất và được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao quản lý vận hành dự án "Hỗ trợ hộ nghèo, hội viên nghèo vay vốn không lãi xuất, chăn nuôi bò sinh sản". Đến nay qua 3 chu kỳ đã giúp gần 1.000 gia đình nghèo có vốn phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế, thoát nghèo, số vốn được bảo toàn và tiếp tục triển khai chu kỳ tiếp theo.
Trong công tác tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện, từ năm 2013, Thường trực Tỉnh Hội đã chủ động tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh; quyết định thành lập và bố trí biên chế cho Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Từ tháng 5/2020, Hội đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị về nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện, bổ sung lãnh đạo Đảng uỷ khối Doanh nghiệp tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh vào Ban chỉ đạo, tạo hiệu quả chuyển biến mạnh mẽ, nguồn tình nguyện viên hiến máu hàng năm tăng thêm từ khối các doanh nghiệp, tỷ lệ dân số hiến máu toàn tỉnh năm 2023 đã đạt gần 1,4%.
Qua thực tiễn việc tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền địa phương xây dựng, ban hành các văn bản triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Hội Chữ thập đỏ và công tác nhân đạo, cơ bản đã phản ánh đúng quy luật khách quan và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Các nội dung tham mưu ban hành cơ bản đã giải quyết được các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, tháo gỡ các vướng mắc cho cơ sở. Công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ và đạt một số kết quả quan trọng, hệ thống hội không ngừng được củng cố, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, số lượng hội viên tiếp tục tăng. Hoạt động của Hội đảm bảo nguyên tắc độc lập, nhưng có sự thống nhất, đồng bộ với các hoạt động nhân đạo, từ thiện trong hệ thống chính trị và cộng đồng.
Trong thời gian tới, để tiếp tục cụ thể hoá các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu với cấp uỷ, chính quyền trong việc xây dựng văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ theo hướng đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi; chỉ ban hành văn bản mới khi thật sự cần thiết. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, xây dựng văn bản, chú trọng bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng, quy trình tham mưu, xây dựng văn bản, nâng cao năng lực phát hiện vấn đề, nắm bắt, phân tích, xử lý thông tin; kỹ năng biên tập văn bản và phản biện các vấn đề. Đồng thời tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định, quy chế của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong thực tiễn công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ, để chủ trương, định hướng, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải trở thành phương châm công tác, động lực thôi thúc hành động của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ toàn tỉnh. Làm cho truyền thống nhân văn, nhân đạo của dân tộc Việt Nam, tư tưởng nhân đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được kế thừa và phát huy mạnh mẽ, tạo thành dòng chảy tự nhiên của lòng yêu nước, lòng nhân ái và tinh thần sẻ chia, kết tinh trong cốt cách của mỗi người dân Đất Tổ.
Tác giả bài viết: Bùi Huấn
Ý kiến bạn đọc
- Đang truy cập30
- Hôm nay5,056
- Hôm qua4,374
- Tháng hiện tại84,237
- Tổng lượt truy cập1,887,190,548