CHUYỂN BIẾN Ở XÃ TỀ LỄ, HUYỆN TAM NÔNG SAU 3 NĂM XÂY DỰNG MÔ HÌNH "CỘNG ĐỒNG AN TOÀN"
Tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên là 3.496,8km2, với địa hình nhiều đồi núi cao, có 4 sông lớn chảy qua là sông Hồng, Sông Đà, sông Lô, sông Chảy với nhiều sông nhánh, nhiều khe suối có độ dốc lớn, hệ thống đê điều dày đặc, thường xuyên chịu ảnh hưởng thiệt hại từ mưa giông, sét, lốc soáy, sạt lở đất, ngập lũ, tràn đê, hạn hạn và các đợt xả lũ của các nhà máy thủy điện ở các tỉnh thượng nguồn trên sông Đà, sông Lô, sông Chảy. Hệ thống giao thông chưa hoàn thiện nên nhiều địa bàn dễ bị cô lập khi xảy ra mưa lũ ngập úng.
Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về xây dựng “Cộng đồng an toàn”, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với UBND huyện Tam Nông lựa chọn và triển khai xây dựng mô hình điểm Cộng đồng an toàn tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông. Xã Tề Lễ có diện tích 9,7 km2, dân số 5,8 nghìn người, có 9 khu dân cư, có sông Bứa là sông nhánh của Sông Hồng chảy qua chia đôi địa hình xã. Xã nằm trong khu vực trọng điểm, thường xuyên chịu ảnh hưởng nắng hạn, ngập úng, địa bàn bị chia cắt, cô lập khi xảy ra mưa lũ. Chương trình nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực, tăng cường các hoạt động phối hợp giữa chính quyền và Hội Chữ thập đỏ trong chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai, nâng cao chất lượng và hiệu quả tham gia phòng ngừa, ứng phó thiên tai của Hội chữ thập đỏ các cấp, thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng về chủ động phòng ngừa ứng phó thiên tai. Sau 3 năm triển khai chương trình đã đạt được kết quả như sau:
Tiêu chí 1: Xây dựng cộng đồng cơ bản có hiểu biết về thiên tai, thảm họa và biện pháp phòng tránh, ứng phó; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu; người dân nhất là trẻ em biết bơi, có kỹ năng cứu đuối nước.
Tại xã Tề Lễ, Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp với UBND xã tổ chức 18 buổi tuyên truyền thông qua các hội nghị tại 09 khu dân cư, với hơn 1.000 lượt người tham dự; trực tiếp tổ chức 03 lớp tập huấn kiến thức bồi dưỡng về công tác phòng ngừa ứng phó thiên tai, sơ cấp cứu cho cán bộ các khu dân cư, có 150 lượt người tham dự. Các trường Tiểu học, THCS trong xã hàng năm tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho gần 1.000 lượt học sinh mỗi năm về phòng ngừa thảm họa, tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước.
Căn cứ tài liệu của BCH Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và Hội Chữ thập đỏ, Đài truyền thanh xã duy trì chương trình phát sóng phổ biến kiến thức, pháp luật về PCTT hàng tuần; cập nhất và phát thanh đưa thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, dịch bệnh đảm bảo kịp thời, liên tục.
Tiêu chí 2: Người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương được khám bệnh, tư vấn sức khỏe, có cơ hội tiếp cận chăm sóc sức khỏe ban đầu:
Được sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ huyện, Hội Chữ thập đỏ xã Tề Lễ đã mua, tặng 25 thẻ thẻ Bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn, hộ cận nghèo với số kinh phí 19.800.000đ, đến nay tỷ lệ bao phủ thẻ BHYT toàn xã đạt 100%, Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt 100%. Mỗi năm tổ chức 01 chương trình khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 200 lượt người nghèo, người cao tuổi, đối tượng chính sách và người dễ bị tổn thương trên địa bàn xã
Tiêu chí 3: Cộng đồng có hiểu biết về hiến máu, luôn có người hiến máu tình nguyện, góp phần đảm bảo máu phục vụ cấp cứu và điều trị:
Hàng năm, BCĐ vận động hiến máu tình nguyện của xã dược kiện toàn và hoạt động hiệu quả. Lực lượng sẵn sàng hiến máu được theo dõi quản lý chặt chẽ. Trong 3 năm 2020-2022 có 91 lượt người hiến máu, duy trì lực lượng hiến máu dự bị, sẵn sàng hiến máu theo yêu cầu của Trung tâm Y tế huyện.
Tiêu chí 4: Người có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn đều nhận được sự trợ giúp thích hợp từ tổ chức Hội hoặc thông qua tổ chức Hội:
Các đối tượng Bảo trợ xã hội tại xã Tề Lễ được thường xuyên rà soát, cập nhật, đảm bảo 100% đối tượng đủ riêu chuẩn điều kiện được hưởng chế độ Bảo trợ xã hội. Tại thời điểm hiện tại toàn xã có 82 đối tượng Người khuyết tật, trẻ mồ côi, người cao tuổi sống đơn thân, người nhiễm HIV-AIDS được hưởng các chế độ Bảo trợ xã hội, 5 trường hợp đặc biệt khó khăn được Hội CTĐ lập hồ sơ địa chỉ nhân đạo và được trợ giúp thường xuyên trị giá 6 triệu đồng một năm/ địa chỉ. Từ năm 2020 đến nay tại xã đã vận động, trao tặng 800 suất quà Tết, trị giá trên 400 triệu đồng. Xã Tề Lễ cũng đã triển khai thực hiện Dự án Ngân hàng bò, giao bò giống ban đầu cho 16 hộ, trị giá 256 triệu đồng, đến nay đã sinh trưởng và chuyển giao 32 bò thế hệ F2 cho 32 gia đình khác hưởng lợi.
Đặc biệt, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã vận động, trao tặng, trực tiếp hỗ trợ trên địa bàn xã: 01 phòng máy vi tính hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em” trị giá 120 triệu đồng; Xây dựng 02 nhà nhân đạo, trị giá 300 triệu đồng; Thăm hỏi, động viên, hỗ trợ đột xuất cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gặp tai nạn, rủi ro; thăm hỏi, tặng quà dịp lễ tết hàng năm đối với 42 gia đình người có công, trị giá trên 50 triệu đồng/ năm. Trao tặng 200 bộ bàn ghế trẻ em cho trường Mầm non, tặng các sản phẩm sữa, thực phẩm, bánh kẹo, quần áo, đồ dùng gia đình, quần áo cho học sinh trong xã, trị giá trên 100 triệu đồng.
Ngoài thực hiện các tiêu chí theo hướng dẫn của Trung ương Hội, căn cứ vào chỉ đạo của UBND huyện và kế hoạch xây dựng cộng đồng an toàn của xã, Từ năm 2020 đến nay, UBND xã Tề Lễ đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu như xây dựng mới, nâng cấp trên 4 km đường giao thông nông thôn, nâng cấp các trường học, trụ sở, trạm y tế, hệ thống truyền thanh; hỗ trợ di rời 3 gia đình chuyển đến nơi ở an toàn, chỉ đạo, hướng dẫn 22 gia đình trong khu vực trũng thấp nâng cấp nhà, tôn nền nhà ở; tư vấn, cung cấp thiết kế mẫu và vận động 18 hộ xây dựng nhà ở mới theo tiêu chuẩn nhà ở an toàn; điều chỉnh quy hoạch đất đai, ngành nghề, đảm bảo sinh sống, sản xuất kinh doanh, tạo ra thu nhập ổn định trong mọi tình huống thiên tai. Quy hoạch và bố trí điểm sơ tán dân, đảm bảo người dân vùng nguy hiểm biết và có phương án di chuyển đến điểm sơ tán khi cần thiết (tại nhà văn hóa khu 1, khu 2 và tại trụ sở UBND xã); xây dựng lực lượng, mua sắm, dự trữ các phương tiện, bố trí nguồn kinh phí dự phòng, đảm bảo sẵn sàng sẵn sàng ứng phó thiên tai và sự cố nghiêm trọng. Tổng giá trị xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng của xã từ 2020 đến nay đạt trên 5,7 tỷ đồng.
Kết quả quan trọng nhất đã đạt được là cấp uỷ, chính quyền và nhân dân xã Tề Lễ đã có sự hiểu biết và chuyển biến về nhận thức trách nhiệm, chủ động tham gia, không chỉ dựa vào nhà nước và thụ động khi có tình huống; kinh phí và vật chất được dự phòng từ địa phương đến mỗi gia đình; tổ chức lực lượng được thường xuyên củng cố, duy trì, có dự trữ, đảm bảo vật chất, phương tiện, có khả năng sẵn sàng tham gia ứng phó, khắc phục. Đội ngũ cán bộ Hội thông qua thực hiện chương trình đã có chuyển biến quan trọng về nhận thức và kinh nghiệm tổ chức thực hiện.
Quá trình xây dựng mô hình điểm, mặc dù Hội Chữ thập đỏ chỉ tham gia một số nội dung theo chức năng nhưng đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị tại cơ sở, thông qua tuyên truyền đã làm chuyển biến nhận thức, tăng tính chủ động của mỗi gia đình, cá nhân và cả địa phương; huy động được nguồn kinh phí lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Các hoàn cảnh khó khăn, các địa chỉ nhận đạo luôn nhận được sự trợ giúp kịp thời. Lực lượng ứng phó Chữ thập đỏ có đủ năng lực, điều kiện sẵn sàng ứng phó tại chỗ và cơ động hỗ trợ địa bàn khác. Tinh thần vì cộng đồng, tương thân tương ái ngày càng được phát huy.
Từ những kết quả đã đạt được cùng những hạn chế sau 3 năm xây dựng mô hình điểm "Cộng đồng an toàn" tại xã Tề Lễ, huyện Tam Nông Từ kết quả đạt được có thể rút ra những kinh nghiệm đẻ tiếp tục triển khai mô hình trên diện rộng đó là: (1) Mỗi cấp, mỗi tổ chức Hội phải xác định, lực chọn các hoạt động, nội dung trọng tâm theo đúng chức năng nhiệm vụ và phù hợp với năng lực của tổ chức Hội. (2) Quá trình triển khai nhất thiết phải có sự phối hợp của các cấp chính quyền để thống nhất chỉ đạo, điều hành và huy động sự tham gia của các ngành. (3) Tận dụng lợi thế, hiệu quả của các công cụ truyền thông, nhất là hệ thống truyền thanh cơ sở và các nền tảng xã hội để duy trì việc tuyên truyền thường xuyên đến mọi lực lượng trong cộng đồng. (4) Tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện, diễn tập, thực hành, nâng cao khả năng tham gia ứng phó khi xảy ra thiên tai của lực lượng tình nguyện viên.
Tác giả bài viết: Công Toàn
Ý kiến bạn đọc
- Đang truy cập37
- Máy chủ tìm kiếm1
- Khách viếng thăm36
- Hôm nay8,146
- Hôm qua7,074
- Tháng hiện tại157,610
- Tổng lượt truy cập1,886,719,487